Khám phá những 'bí ẩn' tại cố đô Lam Kinh
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) hay còn gọi là cố đô của triều đại nhà Hậu Lê hiện vẫn còn giữ nhiều bí ẩn, những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí của triều đại phong kiến. Đây cũng là điều thú vị và hấp dấn du khách trong và ngoài nước.
Những câu chuyện còn mãi với thời gian
Kinh thành Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh). Nhà vua đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... được xây dựng tại đây chủ yếu là nơi để các vua Lê về cúng bái tổ tiên, đồng thời nơi đây tập trung lăng mộ của các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Ngày nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh có diện tích hơn 200ha. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh vẫn được giữ nguyên vẹn. Điều hấp dẫn của thành cổ Lam Kinh là ngoài hệ sinh thái xanh mát, các công trình kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn, nơi đây còn lưu giữ nhiều câu chuyện huyền bí cách đây hàng trăm năm.
Đầu tiên phải kể đến là Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ), cách điện Lam Kinh 50m. So với các lăng tẩm được xây dựng bề thế của thời Nguyễn ở Huế thì Vĩnh Lăng rất đơn giản nhưng vẫn giữ được sự tôn nghiêm. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh xây chèn bằng đá đục.
Theo hướng dẫn viên tại điểm, tại khu Vĩnh Lăng tồn tại truyền thuyết về cây ổi cười, tạo lên sự huyền bí cho vùng đất Lam Kinh. Du khách chỉ cần dùng ngón tay cù nhẹ lên thân cây, thì toàn bộ cây ổi đều rung lên. Nếu vừa chạm tay vào cây ổi, vừa nhắm mắt, du khách sẽ có cảm giác bay bổng lạ thường.
Nằm trong khu quần thể lăng mộ, cây lim cổ thụ có tuổi thọ khoảng 600 năm tuổi, được gọi là “cây lim hiến thân”. Theo lời kể của người dân địa phương, vào năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện dự án phục hồi và phỏng dựng chính điện Lam Kinh, cây lim 600 tuổi đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá chết khô.
Thân và cành lim được ước lượng đủ kích thước để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc. Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với chân đá tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65cm, vừa với chân đá tảng cột quân. Những sự trùng hợp này được đồn đoán rằng, dường như cây Lim sinh ra để thực hiện sứ mệnh là trùng tu lại cung điện cho hậu thế.
Ngoài những câu chuyện truyền thuyết này, tại cố đô Lam Kinh vẫn còn tồn tại nhiều “báu vật” quý như cây đa thị có tuổi đời mấy trăm năm, nhiều người ôm không xuể. Phía ngoài chính điện Lam Kinh là giếng cổ lớn, quanh năm nước đầy. Khám phá Khu di tích Lam Kinh, du khách còn được tìm hiểu Bảo vật quốc gia - bia Vĩnh Lăng, có trọng lượng nặng khoảng 18 tấn được dựng vào đầu thế kỷ XV. Dưới tấm bia là rùa đá 6 móng nhưng có 1 móng bị khuyết, đến nay các nhà khoa học chưa lý giải được việc móng rùa bị khuyết này.
Đổi mới để hút khách du lịch
Theo Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, chính quyền địa phương đã bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục công trình kiến trúc, cảnh quan: La thành, cầu Bạch, giếng cổ, Ngọ môn, sân Rồng, 6 Khu lăng mộ, nhà che bia, các tòa Thái Miếu, Chính điện, hồ Tây, hệ thống đường tham quan di tích. Đặc biệt, dự án bảo tồn và phỏng dựng chính điện Lam Kinh đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ du khách. Ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, Khu di tích Lam Kinh còn được bao bọc bởi cảnh quan, sinh thái của hơn 169ha rừng với nhiều loạt động, thực vật quý.
Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh Nguyễn Xuân Toán cho biết, để nâng cấp chất lượng dịch vụ phục vụ khách tham quan, thu hút du lịch, đơn vị đã đưa vào sử dụng hệ thống xe điện, thuyết minh tự động, trải nghiệm thực tế ảo. “Các hướng dẫn viên hằng năm được cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn, nội dung bài thuyết minh được đổi mới. Ngoài ra, hướng dẫn viên cũng được đào tạo các kỹ năng chụp ảnh cho khách”, ông Toán chia sẻ.
Theo Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, lượng khách đến với Lam Kinh có xu hướng tăng từ 10 – 15% theo từng năm. Năm 2023, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đón 290 nghìn lượt khách, trong đó có 2.200 lượt khách quốc tế. Khoảng 9 tháng của năm 2024, khu di tích đã đón hơn 200 lượt khách, dự tính đến hết năm 2024 sẽ đón khoảng 320 nghìn lượt, trong đó có hơn 2.500 khách quốc tế, vượt 14,2% kế hoạch.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và hệ sinh thái đa dạng cùng những câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn, Khu di tích lịch sử Quốc gia Lam Kinh là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa. Để thu hút du khách nhiều hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Toán cho biết, Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh sẽ nâng cao chất lượng hướng dẫn, thuyết minh. Hướng dẫn viên phải nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ, giao tiếp với du khách; xây dựng phòng đọc, tra cứu tư liệu về triều đại vua Lê và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cùng các câu chuyện truyền thuyết.
Ngoài ra, đơn vị sẽ xây dựng các tour liên kết đưa khách tham quan di tích Lam Kinh với các di tích và các tuyến du lịch phụ cận như: Chùa Đầm, chùa Linh Cảnh, đền thờ Trịnh Thị Ngọc Lữ, suối cá thần Cẩm Lương, Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kham-pha-nhung-bi-an-tai-co-do-lam-kinh-686130.html