Khám phá nghề làm gốm Gia Thủy

Xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng với làng nghề gốm truyền thống có tuổi đời hơn 50 năm. Đến nay, làng nghề gốm Gia Thủy không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Người thợ đang nhào đất.

Người thợ đang nhào đất.

Theo các nghệ nhân của làng, gốm Gia Thủy có tiền thân là gốm Long Thịnh. Năm 1959, một số thợ gốm ở Thanh Hóa đã di cư về đây và mở lò gốm để làm các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt như nồi, niêu, chum, vại. Từ đó, làng gốm Gia Thủy ra đời. Đến năm 2007, làng gốm Gia Thủy được công nhận là làng nghề truyền thống. Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng gốm Gia Thủy vẫn giữ được nét riêng biệt bởi những sản phẩm đơn sơ, mộc mạc và không kém phần tinh tế do những người thợ gốm nơi đây tạo nên.

Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau.

Để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn và vai trò của công đoạn nào cũng quan trọng. Ngay cả những công đoạn tưởng chừng đơn giản như làm đất, nung lò cũng đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, lành nghề, quan sát tinh tế và sáng tạo. Qua những bàn tay điêu luyện của người thợ lành nghề, đất đã chuyển thành hình, thành khối, có đường nét như ý và ẩn chứa cả hồn cốt của người thợ Gia Thủy.

Người thợ làm gốm đang tạo hình cho sản phẩm.

Mỗi công đoạn làm gốm yêu cầu người thợ cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận, tránh sai sót. Đất sét khi lọc qua nước sẽ được loại bỏ tạp chất, cô đặc rồi đem phơi đủ độ ẩm. Công đoạn phơi đất cần cẩn thận, bởi đất phơi khô quá cũng không làm được gốm mà ướt quá cũng khó làm gốm. Vì thế khi phơi người thợ phải thường xuyên quan sát độ khô, ướt của đất. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau. Thông thường để làm ra những chiếc vò, chum, vại người thợ sẽ nặn đất thành những thớ dài và tròn để khi đưa lên bàn xoay ghép lại với nhau được dễ dàng hơn.

Gốm sau khi hoàn thiện công đoạn nhào nặn sẽ được làm bóng và đem phơi khô.

Nét đặc trưng của gốm Gia Thủy được làm từ nguyên liệu đất sét có màu nâu vàng, đây là nguyên liệu có sẵn tại địa phương và chỉ tại làng nghề mới có. Loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt.

Người thợ gửi hồn mình vào những cục đất vô tri để tạo nên sản phẩm gốm hoàn chỉnh và có hồn.

Trải qua nhiều năm thăng trầm, đến nay nghề gốm Gia Thủy vẫn đứng vững và ngày càng phát triển mạnh. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài.

Minh Đức

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/kham-pha-nghe-lam-gom-gia-thuy-64201