Khách lên rừng, xuống biển, ngành du lịch bội thu
Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, nhiều điểm đến trong cả nước ghi nhận lượng khách tăng vọt. Xu hướng chung là chọn điểm đến gần nhà, gắn với các di tích lịch sử, văn hóa…
Di tích lịch sử hút khách
Ngày 3-9, Sở Du lịch TPHCM cho biết, ước tính trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, tổng doanh thu du lịch trên địa bàn TPHCM đạt 2.940 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí ước đạt 980.000 lượt. Khách lưu trú tại các cơ sở ước khoảng 214.630 lượt, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Tại trung tâm thành phố, Dinh Thống nhất, Đường sách Nguyễn Văn Bình và Thảo cầm viên Sài Gòn trong ngày cao điểm chật kín người. Thống kê nhanh của Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác Cần Giờ, tổng lượt khách tham quan trong 4 ngày nghỉ lễ lên tới hàng chục ngàn người, chủ yếu là khách đi về trong ngày. Trụ sở HĐND - UBND TPHCM đón gần 2.000 lượt khách tham quan trong 2 ngày đầu tháng 9.
Lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt ước đạt khoảng 100.000 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ. Khách du lịch Đà Lạt có xu hướng dịch chuyển ra vùng ven để khám phá cảnh sắc thiên nhiên.
Ở cực Nam đất nước, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, thông tin, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đón 11.600 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch trong kỳ nghỉ lễ trên 77 tỷ đồng.
Trong khi đó, lượng khách đến TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tăng hơn 20%, song số lượng khách nội địa vẫn thấp, nguyên nhân do thời tiết diễn biến phức tạp và giá vé máy bay vẫn còn cao...
Ngày 3-9, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ từ 31-8 đến 3-9, ước tính ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 56% (tăng 1,85% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023).
Theo nhận định của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong kỳ nghỉ lễ năm nay, các địa phương, khu điểm du lịch, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch đã có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ càng về điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như phong cách phục vụ. Ở hầu hết các điểm đến giá các dịch vụ du lịch không tăng nhiều so với ngày thường, nhiều cơ sở lưu trú không phụ thu dịp lễ. Tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận sự cố, vấn đề nghiêm trọng xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trên cả nước. Hiện tượng tăng giá, ép giá hay chặt chém, lừa du khách cơ bản không diễn ra.
Du lịch tăng đột biến nhờ thông tuyến cao tốc
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, những điểm thu hút đông du khách là các khu du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn); Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh,…
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Ban quản lý Di tích Thành nhà Hồ, cho biết, do đợt nghỉ lễ kéo dài, thời tiết mát mẻ, đường cao tốc ở khu vực Bắc miền Trung kết nối miền Bắc đã hoàn thiện… nên du khách đến tham quan di tích tăng đột biến với gần 10.000 lượt khách.
Tỉnh Bình Thuận năm nay tiếp tục bội thu từ du lịch nhờ tuyến đường cao tốc. Du khách đến địa phương đạt khoảng 385.000 lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 9.700 lượt, tăng gấp 3,3 lần so với 2023, công suất phòng đạt từ 80%-95%, nhiều cơ sở đạt công suất 100%, tổng doanh thu khoảng 510 tỷ đồng.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng thu hút rất đông du khách khi nhiều người “đổi gió” đến khu vực bãi tắm suối Rào Àn (xã Sơn Kim 1, huyện miền núi Hương Sơn) để trải nghiệm thiên nhiên và thưởng thức đặc sản địa phương như gà đồi nướng, hấp, các loại cá suối...
Tại TP Đà Nẵng, có rất đông người dân tìm đến không khí làng quê. Khách chủ yếu là các bạn trẻ và nhóm khách gia đình. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, du khách có xu hướng lựa chọn các điểm đến gần. Năm nay, lượng khách đi bằng đường sắt (khoảng 10.768 lượt) và đường bộ bằng phương tiện tự túc tăng rất cao. Tổng lượng khách tham quan Đà Nẵng trong 4 ngày nghỉ lễ đạt gần 308.000 lượt, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu du lịch đạt hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, khách đến tỉnh này ước đạt 130.000 lượt, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2023. Điểm di tích mới Hải Vân Quan (trên đèo Hải Vân) vừa đưa vào phục vụ du khách thu hút 14.636 lượt khách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho hay: “Đợt này lượng khách nội địa tăng cao do được nghỉ dài ngày, du khách đưa gia đình đi du lịch trước khi năm học mới bắt đầu”. Ước tính tỉnh Quảng Nam đón khoảng 193.000 lượt khách, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhờ hiệu ứng từ khu du lịch sinh thái Măng Đen, ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cho biết, 130 cơ sở lưu trú với 1.500 phòng, phục vụ tối đa cho khoảng 6.000 khách/ngày đêm của địa phương đã kín khách dịp lễ.
Tỉnh Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách, riêng thị xã Sa Pa tăng 33,2% lượt khách so với cùng kỳ. Trong số này, khách nội địa đạt hơn 183.000 lượt, trong khi khách quốc tế hơn 13.470 lượt, tăng 46,4% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch trong 4 ngày nghỉ tại tỉnh Lào Cai đạt khoảng 606 tỷ đồng.
Huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) dịp này cũng đón hơn 45.000 lượt khách đến ngắm lúa chín, tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong các ngày nghỉ lễ ước đạt trên 45 tỷ đồng.
Tỉnh Lạng Sơn đang vào mùa thu hoạch hạt dẻ. Trong 4 ngày nghỉ lễ, hơn 20 nhà vườn trồng hạt dẻ tại xã Quảng Lạc (TP Lạng Sơn) đã thu hút hàng vạn khách đến trải nghiệm hái hạt dẻ. Mặc dù những cây dẻ ở Quảng Lạc được người dân trồng từ hơn 20 năm trước nhưng chỉ mới được khách du lịch biết, tham quan trong 2-3 năm gần đây. Theo các nhà vườn, trung bình mỗi vườn đón 500-1.000 lượt khách.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khach-len-rung-xuong-bien-nganh-du-lich-boi-thu-post757052.html