Khắc phục tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt khu vực nông thôn

Theo mục tiêu Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có 65% người dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn vào năm 2030 và 100% người dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn vào năm 2045.

Tuy nhiên, nguồn nước nội sinh (sẵn có) hiện chỉ chiếm chưa đến 40%. Mặt khác, lượng mưa phân bố không đồng đều, nhiều khu vực lượng mưa hằng năm rất ít, khiến tình trạng thiếu nước, đặc biệt là nước sinh hoạt khu vực nông thôn ở nhiều nơi ngày càng gay gắt...

Từ đầu năm đến nay, nhiều nơi trong cả nước, lượng mưa ít hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt ở một số nơi, nhiều tháng chưa có mưa. Nắng nóng kéo dài khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở nhiều vùng nông thôn.

Tại 4 huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) suốt mấy tháng qua hầu như không có mưa. Đến nay, các nguồn nước, hồ chứa nước sinh hoạt đều cạn kiệt khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Các hồ treo chứa nước trên Cao nguyên đá Đồng Văn đều cạn kiệt do khô hạn kéo dài.

Anh Giàng Mí Sính, xã Thài Phìn Tủng cho biết: “Gần 2 tháng nay, khi hồ chứa nước ở trung tâm xã không còn, người dân trong thôn phải đi hơn chục cây số đến khe nước tự nhiên lấy nước. Đi từ sớm xếp hàng, mỗi người cũng chỉ hứng được một can nước rồi nhường cho hộ khác. Mỗi ngày, cả gia đình chỉ có 20 lít nước sinh hoạt”.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên các huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn diễn ra nhiều năm nay. Vùng đất này có đến ¾ diện tích tự nhiên là núi đá tai mèo, rừng ít nên khả năng tích nước trong tự nhiên kém; địa hình có độ cao lớn nên việc khai thác nguồn nước ngầm, từ sông, suối cũng rất khó khăn.

Do đó, nguồn nước sinh hoạt của hầu hết người dân, đặc biệt là ở hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc phụ thuộc vào nước trời thông qua các bể chứa nước, hồ treo. Tỉnh Hà Giang triển khai các chương trình, dự án cấp nước sinh hoạt cho nhân dân bằng hình thức đầu tư hỗ trợ người dân xây dựng bể chứa nước quy mô hộ gia đình; đồng thời xây các hồ treo có dung tích trữ nước từ 3 nghìn đến 10 nghìn mét khối tại các khu vực có điều kiện.

Theo thống kê, tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn có 121 hồ treo phục vụ nước cho cộng đồng và hàng chục nghìn bể chứa nước của các hộ gia đình.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang Giáp Mai Thùy cho biết, năm 2011, tỉnh Hà Giang đã lập đề án xây dựng hồ treo chứa nước để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Mục tiêu của đề án là xây dựng gần 400 hồ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ xây được 121 hồ, nên chưa đáp ứng được nhu cầu trong mùa khô, nhất là năm nay hạn hán kéo dài thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt lại thêm nghiêm trọng.

Ngoài việc xây dựng hồ treo, tỉnh Hà Giang cũng tìm kiếm nhiều giải pháp cấp nước. Đã khoan thăm dò tại huyện Mèo Vạc, phát hiện nguồn nước ngầm ở thị trấn Mèo Vạc, xã Pả Vi có 5/7 lỗ khoan có nước với tổng lưu lượng thực bơm khoảng hơn 1.100m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí đầu tư, công tác quản lý chưa tốt nên đến nay các công trình không phát huy hiệu quả.

Tại huyện Đồng Văn, năm 2019 đã khánh thành công trình bơm nước không điện thuộc dự án KaWaTech (tại thôn Séo Hồ, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn) do Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Quản lý nước và lưu vực sông - Quản lý tài nguyên nước và kỹ thuật môi trường (Cộng hòa Liên bang Đức) thực hiện. Công trình cấp 1.600m3 nước/ngày đêm được bơm lên đỉnh núi Ma Ú, ở độ chênh cao 600m đã cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ khu vực thị trấn Đồng Văn và các khu vực phụ cận.

Tuy nhiên, do điều kiện địa hình, điều kiện kỹ thuật nên các mô hình cấp nước như trên hiện nay chưa được nhân rộng. Ông Giáp Mai Thùy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho rằng, việc tận dụng các nguồn nước mặt vẫn là giải pháp hữu hiệu, lâu dài. Do đó, các địa phương triển khai các dự án hỗ trợ người dân xây bể chứa, bồn chứa nước hộ gia đình.

Từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh triển khai 14 hồ treo có dung tích từ 3 nghìn đến 5 nghìn mét khối. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi khảo sát, đề xuất phương án xây dựng bể chứa công suất từ 300 nghìn khối trở lên. Qua khảo sát, có thể xây dựng 3 hồ chứa lớn tại các huyện vùng cao.

Ở các địa bàn bằng phẳng hơn thì giải pháp hàng đầu trong cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn là xây dựng và mở rộng hệ thống cấp nước thông qua đồng hồ đến từng hộ dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, trước đây chưa có hệ thống nước sạch, hằng ngày đồng bào Raglai, Chăm ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước, Thuận Nam phải sử dụng nước từ sông, suối, kênh, mương để sinh hoạt.

Xác định cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, Ninh Thuận đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và địa phương; vốn tài trợ, vốn vay để nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn công suất từ 3.000-8.000m3/ngày đêm. Các công trình này được xây kế cận các công trình thủy lợi hoặc sông, hồ lớn nhằm bảo đảm nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn.

Báo Nhân Dân null

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khac-phuc-tinh-trang-khan-hiem-nuoc-sinh-hoat-khu-vuc-nong-thon-post369465.html