Khắc phục những bất cập trong phát triển nhà ở xã hội
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa quyết định dành hơn 220 tỷ đồng để hoàn thành, điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3, A4 khu ký túc xá Pháp Vân-Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê.
Khu ký túc xá Pháp Vân-Tứ Hiệp nằm gần đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ gồm 6 tòa nhà được ký hiệu từ A1 đến A6, xây dựng trên khu đất rộng 4ha. Sau 14 năm triển khai, hiện chỉ có tòa A1, A5, A6 hoàn thành. Tòa A2, A3 mới hoàn thành xây thô thì bỏ hoang, nhà A4 chưa thi công.
Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, bởi trong khi rất nhiều người dân còn khó khăn về nhà ở thì vẫn còn không ít khu đô thị, khu nhà ở bị bỏ hoang hàng chục năm.
Cùng với khu ký túc xá Pháp Vân-Tứ Hiệp, người dân rất mong Hà Nội nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi công năng của các khu đô thị, khu nhà ở đang bị bỏ hoang thành nhà ở xã hội.
Nhu cầu về nhà ở trong nhân dân hiện nay rất lớn, đặc biệt là nhà ở phục vụ người dân có thu nhập thấp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa khẳng định lại quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để phục vụ nhu cầu nhà ở cho nhóm đối tượng này. Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội được vạch ra trong giai đoạn 10 năm 2021-2030.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, mục tiêu này đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và khó về đích thành công nếu không có những giải pháp giải quyết rốt ráo vấn đề và thúc đẩy tiến độ thực hiện.
Lâu nay, người ta hay nói nhiều đến việc các nhà đầu tư chỉ ưu tiên phát triển nhà ở thương mại phân khúc hạng sang để đạt mục tiêu lợi nhuận cao. Vì thế, rất khó phát triển quỹ đất, quỹ nhà dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tuy nhiên, theo giãi bày của một số nhà đầu tư, dù có mong muốn góp phần xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng họ cũng phát nản vì hồ sơ, thủ tục. Thậm chí, có nhà đầu tư than phiền, đứng trước nguy cơ phá sản vì thị trường gặp nhiều khó khăn như hiện nay, họ buộc phải xin chuyển đổi một số dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội, nhưng hàng năm trời vẫn chưa xong phần thủ tục.
Một thực tế không thể phủ nhận là các khu nhà ở xã hội hiện được xây dựng khá xa khu trung tâm phát triển, hệ thống hạ tầng lại rất yếu và thiếu đồng bộ. Nhiều người sau thời gian rất ngắn ban đầu phấn khởi vì tìm được căn nhà mơ ước cho gia đình, nhưng đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái thất vọng khi nơi ở và nơi làm việc cách nhau quá xa khiến cho việc đi lại mất rất nhiều công sức. Thời gian di chuyển trên đường quá dài, lại ùn tắc giao thông triền miên khiến họ vừa mệt mỏi về thể xác, tinh thần, vừa thêm khó khăn về tài chính do giá nhiên liệu tăng cao.
Bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm khiến nhiều nhà đầu tư muốn chuyển đổi các khu nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội đang là thời cơ tốt để tận dụng mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội theo đúng mục tiêu đã đề ra, với chất lượng các khu nhà ở xã hội tốt hơn-gần trung tâm phát triển hơn và có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn.
Đừng để nhà đầu tư thêm nản vì những thủ tục rườm rà và sự thờ ơ của chính những cán bộ có trách nhiệm liên quan khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục cho nhà đầu tư!