KH-CN, đổi mới sáng tạo là động lực then chốt cho tăng trưởng

Về dư địa tăng trưởng trong các quý tiếp theo, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trưởng ban Hệ thống tài khoản quốc gia (Cục Thống kê, Bộ Tài chính) cho rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt, có tính chiến lược.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2025 tăng 7,96%. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 tới nay; các chỉ số nhìn từ phía cung và phía cầu đều khá tích cực.

Tuy vậy, theo Cục Thống kê, kinh tế nước ta đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ yếu tố bên ngoài lẫn nội tại.

Trên thế giới, xung đột địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng, bất ổn, khó lường sẽ là nguồn rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa, qua đó sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của của Việt Nam; suy giảm tăng trưởng toàn cầu, cầu hàng hóa yếu.

Ngoài ra, biến động tăng tỷ giá sẽ gây áp lực nên chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và thanh toán nợ vay ngoại tệ trong nước. Lãi suất quốc tế vẫn duy trì ở mức cao khiến Việt Nam phải cân đối chính sách tiền tệ thận trọng hơn, giảm dư địa nới lỏng; chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ sẽ gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới…

Cục Thống kê, Bộ Tài chính tổ chức họp báo

Cục Thống kê, Bộ Tài chính tổ chức họp báo

Trong nước, mặc dù tăng trưởng công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhưng mức độ còn chậm và chưa đều. Một số ngành như điện tử, dệt, da giày, chế biến gỗ… vẫn ghi nhận tăng trưởng cao nhưng bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi do đơn hàng không tăng và sự cạnh tranh giá từ các quốc gia khác.

Các động lực tăng trưởng chính như đầu tư công thì việc giải ngân vốn vẫn còn nhiều điểm nghẽn; tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa mạnh, còn tâm lý thận trọng khi người dân có xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng do lo ngại lạm phát, thu nhập phục hồi nhưng chưa ổn định.

Ngoài ra, thể chế pháp lý đang được hoàn thiện nhưng còn chậm và nhiều chính sách còn chồng chéo, chưa ổn định, nhất là sau khi sáp nhập đơn vị hành chính; lao động chi phí rẻ không còn là lợi thế quốc gia; lao động có trình độ để bắt kịp với công nghệ hiện đại còn thiếu, chưa đồng đều trong lực lượng lao động, thiếu lao động chất lượng cao; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước…

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trưởng ban Hệ thống tài khoản quốc gia (Cục Thống kê) cho biết đầu tư công sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.

“Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công sẽ tạo dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như”, bà Hạnh nói.

Nhiều dư địa cho tăng trưởng những tháng cuối năm

Nhiều dư địa cho tăng trưởng những tháng cuối năm

Đáng chú ý, bà Hạnh cho rằng KH-CN, ĐMST, CĐS sẽ là động lực then chốt, mang vai trò chiến lược. Sự bùng nổ KH-CN, ĐMST, CĐS sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.

Thêm nữa, việc phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế trong năm 2025 sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội.

Tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế GTGT 2% có hiệu lực từ 1.7.2025 đối với nhiều mặt hàng hóa và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước. Các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Từ các dư địa tăng trưởng, Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như sau: 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8% (trong đó quý 1 tăng 7,05%, quý 2 tăng 7,96%, quý 3 tăng 8,33%, quý 4 tăng 8,51%).

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đề nghị cần tiếp tục duy trì môi trường vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân; điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra (dưới 4,5%); ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Bà Hương cho rằng phát triển mạnh mẽ KH-CN, ĐMST và CĐS là mục tiêu then chốt, cần thực hiện mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tăng đầu tư cho R&D trong công nghệ số, sinh học, vật liệu mới, tự động hóa; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp - ĐMST; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề và kỹ năng số đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê

Ngoài ra, bà Hương nhấn mạnh cần quyết liệt tháo gỡ mọi nút thắt về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của đất nước; đảm bảo giải ngân tối đa hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công.

Song song đó, cần kích cầu xuất khẩu và khai thác tối đa lợi thế FTA; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch hóa chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút và nâng cao chất lượng vốn FDI. Phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và chính trị-xã hội để tạo niềm tin cho nhà đầu tư; ưu tiên thu hút các dự án FDI có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; củng cố sức mua của thị trường trong nước thông qua các chính sách phù hợp nhằm kích thích tổng cầu nội địa và tiêu dùng…

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kh-cn-doi-moi-sang-tao-la-dong-luc-then-chot-cho-tang-truong-234554.html