Kết nối sản phẩm tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung kết nối các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như hàng nông sản, thực phẩm, mây tre đan, dệt may, sơn mài... Bằng cách làm này, các đơn vị bước đầu hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh-phân phối xanh-tiêu dùng xanh, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường.
Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Hà Nội đã tăng cường triển khai tiêu dùng xanh, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, kết nối cung cầu cho các đơn vị sản xuất xanh, hướng đến sự phát triển bền vững.
Hiện Hà Nội đã có hơn 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; hơn 70% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; khoảng 80% số doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Đáng chú ý, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững theo từng lĩnh vực như: Dệt may, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực hàng không, phân phối bán lẻ... Trong đó, tiêu biểu phải kể đến các chương trình như: Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố Hà Nội; Hội chợ Tiêu dùng xanh-Sản phẩm an toàn Hà Nội năm 2024; Chương trình Tháng khuyến mại thành phố…
Mang đến Hội chợ Tiêu dùng xanh-Sản phẩm an toàn Hà Nội năm 2024 các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường như đũa, thìa… làm từ cây đước Cà Mau, đại diện doanh nghiệp phân phối sản phẩm chia sẻ, với nguyên liệu được làm từ cây đước tại rừng ngập mặn nên sản phẩm của công ty không sợ bị mốc, không nhuộm màu, đánh bóng; sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận an toàn cho người sử dụng; có cả sản phẩm đã đạt sản phẩm OCOP, hàng nông thôn tiêu biểu… Qua các kỳ hội chợ, công ty quảng bá rất tốt sản phẩm của mình đến đối tác, khách hàng, nhiều đơn hàng được bán, đặt hàng ngay tại hội chợ.
Cùng nói về xu hướng tiêu dùng xanh, chị Minh Thu, chủ doanh nghiệp chè tại Hà Giang cho biết, người tiêu dùng hiện nay rất tin dùng các sản phẩm Việt Nam, nhất là sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Sở Công thương Hà Nội trong việc kết nối, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm xanh đến gần với người tiêu dùng.
Ngoài việc tham gia hội chợ thì việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm của công ty còn gặp nhiều khó khăn khi mới chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống, chưa ứng dụng được công nghệ vào việc bán hàng. Do đó, thời gian tới, công ty cũng sẽ hướng đến việc bán hàng livestream, bán hàng qua mạng…
Chị Nguyễn Thị Hương (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) là người thường xuyên mua hàng tại hội chợ bởi chị yên tâm về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm và đây đều là những sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành phố mang đến Thủ đô.
Đến với hội chợ này, chị đã mua được một số loại thực phẩm sạch từ Hà Giang, Sơn La và đũa đước cao cấp Cà Mau. "Sản phẩm đũa đước làm từ nguồn nguyên liệu chất lượng, không sợ bị mốc, không nhuộm màu, đánh bóng là điều tôi thích nhất. Đây là những vật dụng được sử dụng hằng ngày, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cho nên tôi ưu tiên chọn mua. Trước đây, do lo ngại đũa bị mốc nên tôi có chuyển sang dùng đũa inox, nhưng sản phẩm có nhược điểm là gắp thức ăn bị trơn và ăn đồ như lẩu hay đồ nướng đũa hay bị nóng", chị Hương chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, việc tổ chức các chương trình kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, Hội chợ Tiêu dùng xanh-Sản phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024… không chỉ hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu, các sản phẩm thân thiện với môi trường, các mô hình thực tiễn về sản xuất, phân phối thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng bền vững, mà còn tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối.
Bên cạnh đó, hoạt động cũng góp phần kết nối nguồn hàng đa dạng từ các tỉnh, thành phố, các đơn vị; nâng cao nhận thức cộng đồng và góp phần thiết lập thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thời gian tới, để đẩy mạnh xu hướng sử dụng, tiêu dùng sản phẩm xanh, góp phần hướng đến phát triển bền vững, cùng với việc tổ chức triển khai kế hoạch, chương trình của UBND thành phố Hà Nội, các ban, ngành chức năng cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh; tích cực hưởng ứng các hoạt động giảm rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn; giảm thiểu sử dụng bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh và dần thay thế, sử dụng bằng bao bì thân thiện môi trường; thúc đẩy liên kết bền vững giữa nhà cung cấp nguyên liệu-nhà sản xuất-nhà phân phối-người tiêu dùng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối cung-cầu các sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố đưa vào hệ thống phân phối để hình thành các chuỗi liên kết sản phẩm an toàn, tiêu dùng xanh, bền vững.