Kết hợp theo dõi diễn tiến với kết quả xét nghiệm

Trẻ sốt xuất huyết có tình trạng đặc trưng nhất là sốt rất cao, 39 - 40 độ C, dù uống thuốc cũng không hạ sốt.

Xét nghiệm trong những lần tái khám giúp bác sĩ biết trẻ đang ổn hay có nguy cơ biến chứng. Ảnh minh họa

Việc kết hợp giữa theo dõi diễn tiến khi khám với các kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ lựa chọn cách điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của bệnh nhi tại từng thời điểm.

Sốc do sốt xuất huyết

Hiện là thời điểm miền Nam vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết vào mùa. Tuần qua, TPHCM ghi nhận gần 200 ca, tăng 18% so với trung bình tháng trước, số nhập viện tăng hơn 11%, chưa có trường hợp tử vong. Tổng cộng 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận gần 8.300 ca, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu... Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi P.L.C., 8 tháng tuổi, nữ, trú tại tỉnh Đồng Tháp.

Bệnh nhi khởi bệnh với 3 ngày đầu sốt cao liên tục. Ngày thứ 4 còn sốt, kèm nôn ói, tay chân lạnh. Bệnh nhi nhập bệnh viện địa phương với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue, được xử trí truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng, sốc kéo dài, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp.

Các bác sĩ đã chống sốc tích cực, đặt nội khí quản thở máy, truyền các chế phẩm máu. Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện địa phương, bệnh nhi tổn thương gan thận nặng và được chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh rối loạn đông máu, kiềm toan, điều trị hỗ trợ gan và được tiến hành lọc máu liên tục 3 đợt. Tình trạng trẻ cải thiện dần, tiểu khá, chức năng gan thận trở về bình thường, được cai máy thở, tỉnh táo, bú khá.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi L.H.V., 11 tuổi, nữ, cân nặng 54 kg, dư cân (bình thường ở lứa tuổi này cân nặng 30 - 34 kg), trú tại tỉnh Long An. Bệnh sử sốt 4 ngày, ngày thứ 5 nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc sâu, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Sau đó, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tình trạng bệnh nhi lúc nhập viện là sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan. Bệnh nhi được truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở máy, chọc dò dẫn lưu màng bụng giải áp, truyền máu và chế phẩm máu, điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh toan máu. Sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, cai máy thở, tỉnh táo.

Tiên lượng biến chứng

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em, xảy ra hầu như quanh năm. Thử máu là một trong những phương tiện giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Có nhiều loại xét nghiệm máu được thực hiện trong quá trình theo dõi và điều trị, nhất là trong trường hợp sốt xuất huyết nặng. Việc kết hợp giữa theo dõi diễn tiến khi khám với các kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ lựa chọn cách điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của bệnh nhi tại từng thời điểm.

Trị số thể tích khối hồng cầu là một trong những yếu tố giúp đánh giá mức độ cô đặc máu trong cơ thể bệnh nhi sốt xuất huyết. Nếu máu càng bị cô đặc, thì bệnh càng dễ trở nặng. Tuy nhiên, can thiệp tình trạng cô đặc máu này sớm hay muộn đều có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Vì vậy, việc theo dõi diễn tiến tình trạng cô đặc máu để phát hiện thời điểm cần can thiệp là rất cần thiết. Do đó, xét nghiệm đo thể tích khối hồng cầu sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện ở nhiều thời điểm tùy tình trạng bệnh nhi.

Các xét nghiệm máu được thực hiện đều cần thiết và lượng máu xét nghiệm (dù nhiều lần) là rất ít so với lượng máu trong cơ thể. Điều đó hoàn toàn không làm cho bệnh nhi bị mất máu hay thiếu máu vì các xét nghiệm này.

Trong khi đó, BSCKI Lâm Tuyết Trinh - Quyền điều hành phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - chia sẻ, với các phụ huynh có con bị sốt xuất huyết, khi đưa trẻ đi khám bác sĩ, chắc chắn đều được dặn là bệnh cần được tái khám, làm xét nghiệm mỗi ngày.

Ngoài xét nghiệm nhằm chẩn đoán sốt xuất huyết, phương pháp này còn nhằm theo dõi bệnh. Do đó, cần thực hiện xét nghiệm máu mỗi ngày trong mỗi lần thăm khám. Từ đó, giúp tiên lượng những biến chứng có thể gặp của trẻ.

“Những biến chứng thường gặp nhất của sốt xuất huyết ở trẻ là mất nước, làm máu của bé keo hơn, không thể đem oxy đến các cơ quan. Trẻ cũng có thể chảy máu, giảm tiểu cầu, làm nổi ban, chảy máu răng, chảy máu cam... Ít gặp hơn là biến chứng gây suy tạng, các cơ quan, suy thận... Việc xét nghiệm trong những lần tái khám đó cũng giúp các bác sĩ biết được trẻ đang ổn hay có nguy cơ mắc biến chứng”, bác sĩ Trinh giải thích.

Trẻ sốt xuất huyết có tình trạng đặc trưng nhất là sốt rất cao, 39 - 40 độ C, dù uống thuốc cũng không hạ sốt. Nhiều trẻ sẽ có những dấu hiệu cảnh báo như nôn ói, không uống nước, đau vùng trên bên phải bụng - vùng gan, chảy máu cam, chảy máu răng, lượng từ trung bình đến nặng. Thậm chí, trẻ có thể ói ra máu, đi cầu ra máu... Đó là dấu hiệu nặng. Khi người nhà thấy trẻ có dấu hiệu, cần đưa bé tới bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.

“Với trẻ sốt xuất huyết, diễn tiến rất khó lường, có những trẻ sáng rất khỏe, đến chiều mệt, sốc rất nhanh. Để bảo vệ an toàn cho trẻ, cha mẹ nên đưa bé đi tái khám mỗi ngày. Bởi, người nhà có thể vô tình bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo diễn tiến nặng ở trẻ. Đôi khi, trẻ có những dấu hiệu âm thầm mà không được nhận ra, cho đến khi biểu hiện ra thì việc điều trị đã muộn”, chuyên gia cho biết.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Trinh khuyến cáo, với vùng cây cối nhiều, nên phát quang, dọn sách lu nước, nước đọng trong nhà. Đồng thời, cần diệt muỗi triệt để và cho trẻ sinh hoạt ở khu vực tránh bị muỗi đốt. Bởi hiện tại bệnh vẫn chưa có vắc-xin.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-hop-theo-doi-dien-tien-voi-ket-qua-xet-nghiem-post645036.html