Kế hoạch tái thiết Dải Gaza:Lộ trình nhiều thách thức
Lãnh đạo các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cùng Ai Cập, Jordan và Palestine đã nhóm họp tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để xem xét kế hoạch tái thiết Dải Gaza.
Kế hoạch này nhằm ứng phó với đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Washington “tiếp quản” Gaza và di dời 2,3 triệu cư dân của dải đất này sang các nước láng giềng Ai Cập và Jordan. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tái thiết Dải Gaza còn rất nhiều thách thức.

Người dân Palestine trở về nhà ở phía Bắc Gaza theo thỏa thuận ngừng bắn.
Thế giới Arab coi việc cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Gaza là hồi chuông báo tử cho khả năng xây dựng nhà nước Palestine trong tương lai. Trong khi đó, Jordan và Ai Cập lo ngại việc tiếp nhận một lượng lớn người Palestine có thể gây ra sự gián đoạn về kinh tế và chính trị. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất di dời toàn bộ người dân Gaza ra khỏi vùng đất này, các trợ lý của ông đã định hình lại ý tưởng này. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu: "Nếu các quốc gia Arab có một kế hoạch tốt hơn, thì điều đó thật tuyệt". Như vậy, có thể xem cuộc họp tại Riyadh là một bước cần thiết của các quốc gia Arab nhằm tháo gỡ nút thắt liên quan đến tương lai của Gaza.
Các nhà lãnh đạo Arab đã thảo luận về một kế hoạch do Ai Cập đưa ra, gồm ba giai đoạn, trải dài trong 3 đến 5 năm. Giai đoạn thứ nhất kéo dài 6 tháng, tập trung vào nỗ lực phục hồi sớm. Giai đoạn thứ hai sẽ tổ chức hội nghị quốc tế để thông tin chi tiết về tiến trình tái thiết, tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng tiện ích. Một tiến trình chính trị hướng đến giải pháp hai nhà nước sẽ được khởi động lại trong giai đoạn thứ ba, qua đó tạo động lực cho một lệnh ngừng bắn bền vững. Theo các nhà phân tích, ý tưởng chủ đạo của cuộc họp là bàn về một giải pháp, trong đó các nước Arab sẽ tài trợ và giám sát công cuộc tái thiết Gaza, giữ nguyên hơn hai triệu dân Palestine... Tuy nhiên, từ ý tưởng đến sự đồng thuận là một hành trình dài và chưa thấy lối thoát. Các quốc gia Arab vẫn chưa giải quyết được các vấn đề quan trọng như ai sẽ trả tiền cho việc tái thiết Gaza hoặc Dải Gaza sẽ được quản lý như thế nào.
Theo báo cáo từ Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB), để tái thiết Gaza cần hơn 50 tỷ USD trong 10 năm tới. Ngoài ra, cần thêm 19,1 tỷ USD để bù đắp những tổn thất đối với các ngành Y tế, Giáo dục, Thương mại và Công nghiệp. Liên hợp quốc cho biết, có 95% trường học ở Gaza cũng như hơn 90% nhà cửa và hầu hết các bệnh viện, đường giao thông, hệ thống nước… đã hư hại hoặc bị phá hủy.
Vấn đề then chốt là quản lý Gaza sau chiến tranh. Israel nhiều lần tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ kế hoạch hậu chiến nào mở đường cho chủ quyền của Palestine. Trong khi các quốc gia Arab khẳng định chỉ ủng hộ những đề xuất, ít nhất là trên danh nghĩa, mở đường cho một nhà nước Palestine. Với bất kỳ kế hoạch nào về quản lý Gaza, các nhà lãnh đạo Arab đều muốn có sự chấp thuận của chính quyền Palestine (PA), cơ quan được quốc tế công nhận quản lý Gaza cho đến khi Hamas giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này gần hai thập kỷ trước. Do đó, kế hoạch có thể thất bại nếu Israel, nước đang kiểm soát biên giới Gaza, từ chối hợp tác. Thời điểm này, Tel Aviv ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Donald Trump và Bộ Quốc phòng Israel đã thành lập "Ban quản lý di cư tự nguyện của cư dân Gaza" để tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn di cư.
Gaza đang tiến đến một ngã rẽ quan trọng khi giai đoạn đầu tiên của lệnh ngừng bắn sẽ hết hạn vào đầu tháng 3 tới. Israel và Hamas tiếp tục đàm phán giai đoạn thứ hai và bất kỳ kế hoạch tái thiết nào cũng không thể thực hiện được nếu không có thỏa thuận về người quản lý Gaza trong tương lai. Israel yêu cầu xóa bỏ Hamas khỏi vị trí là lực lượng chính trị hoặc quân sự trong vùng lãnh thổ này. Như vậy, các nhà tài trợ quốc tế khó có thể tham gia vào bất kỳ hoạt động tái thiết nào nếu Hamas nắm quyền.
Các nhà quan sát nhận định, việc tái thiết Gaza là một hành trình "dài và phức tạp". Vẫn chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo Arab có thể đạt được sự đồng thuận về một giải pháp thay thế cho kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp khẩn cấp của Liên đoàn Arab dự kiến diễn ra vào ngày 4-3 tới tại thủ đô Cairo (Ai Cập) hay không? Tuy nhiên, cuộc họp vừa diễn ra ở Saudi Arabia đã phản ánh sự đồng thuận hiếm hoi của người Arab về việc từ chối di dời người Palestine vào thời điểm ông Donald Trump đang đưa ra các đề xuất ảnh hưởng đến tình hình ở Trung Đông.