Kế hoạch cắt giảm thuế của Nhật Bản gây tranh cãi

Tại Nhật Bản, vào thời điểm các hộ gia đình cảm thấy khó khăn do giá cả tăng cao và tiền lương thực tế giảm sút, việc chính phủ xem xét cắt giảm thuế đã thu hút sự chú ý của cử tri và giới chính trị.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/11/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/11/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tuy nhiên, thay vì tâm lý hân hoan, ý định cắt giảm thuế thu nhập và thuế cư trú của Chính phủ Nhật Bản đã tạo ra một cuộc tranh cãi mới. Một số nhà chính trị thậm chí cho rằng đề xuất này giống như một “quân bài” đưa ra trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn có thể diễn ra.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy công chúng Nhật Bản đã không phản ứng như cách chính phủ mong đợi ban đầu. Kết quả hai cuộc thăm dò vào tuần trước cho thấy mức độ tín nhiệm của người dân đối với Thủ tướng Kishida Fumio đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Trong một cuộc thăm dò do hãng tin Nikkei thực hiện, tỷ lệ tán thành của Nội các đã giảm xuống còn 33% - con số thấp nhất kể từ khi ông Kishida nhậm chức vào hai năm trước. Một cuộc khảo sát khác do kênh truyền hình Asahi thực hiện trong cùng thời gian cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với thủ tướng đã giảm xuống 26,9%, ghi nhận tháng giảm thứ sáu liên tiếp.

Những con số này đang đẩy lùi niềm tin rằng Nội các của ông Kishida sẽ vượt qua bài thử thách về mức độ bất mãn mà người dân đã thể hiện đối với các chính quyền tồn tại ngắn ngủi trong quá khứ của Nhật Bản trước kia. Trong những tháng gần đây, chính phủ đã không thể cho thấy khả năng phục hồi sau hàng loạt thất bại về chính sách và sức hấp dẫn vốn đã rất mong manh của ông Kishida đối với công chúng giờ đang yếu dần.

Gói kích thích kinh tế được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt trong cuộc họp nội các ngày 2/11 sẽ nhận được sự giám sát bổ sung của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và từ đảng đối tác liên minh Komeito. Để “gia cố” cho các biện pháp này, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch đệ trình ngân sách bổ sung, giúp tăng khả năng đề xuất sẽ sớm được quốc hội phê duyệt chính thức.

Bên cạnh việc cắt giảm thuế thu nhập, thuế cư trú và hỗ trợ cho các gia đình có thu nhập thấp như đã hứa, gói kích thích kinh tế sẽ bao gồm cả các điều khoản để duy trì đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn và các biện pháp phòng chống thiên tai, với tổng quy mô khoảng 17.000 tỷ yen (113 tỷ USD).

Mặc dù cam kết cắt giảm thuế của Thủ tướng Kishida vào thời điểm hiện tại có vẻ không “lay chuyển”, khả năng thay đổi ở giai đoạn này rất khó xảy ra, nhưng vẫn còn những nghi ngờ về quy trình ra quyết định của chính phủ và phương pháp thực hiện các quyết định đó.

Các quan chức trong đảng LDP và chính phủ, bao gồm cả Thủ tướng Kishida, đã nhiều lần chỉ ra rằng một năm sẽ là khoảng thời gian lý tưởng cho đợt cắt giảm thuế được thiết kế như một biện pháp tạm thời, nhằm mục tiêu giảm áp lực lạm phát. Không giống như việc phát tiền mặt, có thể được thực hiện trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong chính sách tài khóa đều đòi hỏi một quá trình tranh luận và sửa đổi pháp lý kéo dài tại quốc hội. Điều này đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực sự của gói kích thích.

Các nhà lập pháp LDP đã thảo luận về việc giảm thuế thu nhập mà ông Kishida tuyên bố sẽ bắt đầu thực hiện vào tháng 6/2024 tại cuộc họp chung của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách vào ngày 31/10 và nhiều người trong số này đang phản đối chỉ thị đột ngột của Thủ tướng Fumio Kishida về việc cắt giảm thuế như một phần của gói kinh tế mới. Khoảng 100 nhà lập pháp LDP từ cả hai viện đã tham dự phiên họp kín này.

Phiên họp ồn ào diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ tán thành của Nội các Nhật Bản tiếp tục giảm, những thách thức và sự chỉ trích chính phủ ngày càng tăng. Ông Kishida đã chỉ đạo các quan chức của các đảng xây dựng chi tiết các đề xuất của chính phủ nhằm giảm 40.000 yen (264 USD) thuế thu nhập và thuế cư trú cho mỗi người nộp thuế và thành viên gia đình phụ thuộc.

Nhiều nhà lập pháp LDP bày tỏ sự thất vọng trước đề xuất cắt giảm thuế. Một thành viên Thượng viện cho biết: “Kế hoạch giảm thuế đã bị chỉ trích bởi cả phe ủng hộ cải cách tài chính và phe thúc đẩy chi tiêu tài chính chủ động để kích thích nền kinh tế”. Tương tự, một nhà lập pháp cấp trung thuộc phe cải cách tài chính cho biết đã có những cuộc thảo luận nội bộ về việc tăng chi tiêu quốc phòng khi ba văn kiện chính sách an ninh quan trọng được sửa đổi vào cuối năm ngoái. Nhưng người này phàn này: “Việc giảm thuế này đã được thủ tướng đề xuất mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào. Tôi không thể thấy được sự nghiêm túc của chính phủ”.

Kết thúc cuộc họp, ông Koichi Hagiuda, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách, đã tìm cách xoa dịu tình hình: “Nếu chúng tôi rút lại chính sách cắt giảm thuế ngay bây giờ, chính phủ sẽ không thể giữ vững lập trường của mình. Tôi hiểu mọi người đều có ý kiến riêng của mình, nhưng tôi muốn các bạn ‘ủng hộ’ những gì đã được quyết định bằng một tiếng nói".

Hiện chưa rõ liệu việc cắt giảm thuế sẽ được thực hiện một đợt vào tháng 6 năm sau hay sẽ được kéo dài thêm hai năm hoặc lâu hơn. Ông Hagiuda cho biết: “Vẫn chưa có quyết định rằng việc này sẽ kéo dài ‘chỉ trong một năm’”. Ông dự đoán quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra dựa trên xu hướng tăng lương của các công ty.

Trong cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện ngày 31/10, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh: “Tôi muốn thúc đẩy nền kinh tế, để việc cắt giảm thuế kết thúc ngay lập tức trong năm sau”.

Chính phủ định giá các biện pháp kinh tế trên vào khoảng 17.000 tỷ yen. Tổng số tiền cắt giảm thuế và hỗ trợ tiền mặt được nêu dự kiến sẽ vượt quá 5.000 tỷ yen. Sẽ cần 3.500 tỷ yen để cắt giảm thuế thu nhập và thuế cư trú ở mức 40.000 yen cho mỗi người nộp thuế và người phụ thuộc. Trong số 5.000 tỷ yen nói trên cũng bao gồm hơn 1.000 tỷ yen để hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, một phần là những người được miễn thuế nhưng không được hưởng đầy đủ lợi ích từ việc cắt giảm thuế. Ngoài ra, chính phủ có kế hoạch hỗ trợ tiền mặt trị giá 70.000 yen cho mỗi hộ gia đình được miễn thuế cư trú.

Tuy nhiên, quy mô của gói kích thích có thể thay đổi. Các biện pháp khác đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn cũng đã được đưa vào gói tài chính này, như trợ cấp nhằm giúp giảm giá xăng dầu, hóa đơn điện và tiện ích. Mặc dù ngân sách của Nhật Bản hiện tại được dự báo sẽ ít hơn ngân sách bổ sung thứ hai của năm ngoái là 29.000 tỷ yen, nhưng số tiền đó vẫn còn rất lớn so với ngân sách trước đại dịch COVID-19./.

Nguyễn Tuyến (TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ke-hoach-cat-giam-thue-cua-nhat-ban-gay-tranh-cai/314003.html