Johnson & Johnson bị kiện với cáo buộc phấn rôm gây ung thư
Johnson & Johnson đối mặt với nhiều đơn kiện liên quan đến bột talc trong phấn rôm trẻ em. Người tiêu dùng nghi ngờ bột này nhiễm amiăng khiến họ bị ung thư buồng trứng.
Cuộc chiến pháp lý giữa hãng Johnson & Johnson (J&J) và những cáo buộc bột talc trong phấn rôm trẻ em của hãng này có liên quan đến ung thư buồng trứng đã diễn ra trong thời gian dài.
NBC News cho biết hôm 6/2, các nguyên đơn đã giành chiến thắng khi phiên tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ nỗ lực của J&J trong việc chuyển hơn 38.000 vụ kiện sang tòa án phá sản.
Đơn kiện bị trì hoãn
Vụ kiện của nguyên đơn Deborah Smith bị trì hoãn trong 15 tháng vì J&J sử dụng chiến lược pháp lý thường được gọi là Texas Two-Step. J&J thành lập công ty con có tên là LTL Management để công ty con này chịu trách nhiệm pháp lý về các khiếu nại pháp lý liên quan đến bột talc. Trong vòng vài ngày kể từ khi thành lập vào năm 2021, LTL đã nộp đơn xin phá sản theo điều 11.
Vào thời điểm đó, 2 năm đã trôi qua kể từ khi bà Smith nộp đơn kiện. Bà ấy nói tin tức về Texas Two-Step giống như một cái tát vào mặt bà.
Bà nói thêm: “Nếu người dùng sản phẩm là người nhà của họ, liệu họ có dám bán nữa không? Cứ như họ đang chơi một trò chơi chờ đợi để xem có bao nhiêu người sẽ chết hoặc từ bỏ đấu tranh”.
Bà Smith được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng vào năm 2003, sau khi bác sĩ phát hiện ra khối u trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung.
Bà trải qua 2 cuộc phẫu thuật và 3 đợt hóa trị khiến tóc rụng từng mảng. Đến nay, bà Smith phải đội tóc giả vì tóc không bao giờ mọc lại như cũ.
Theo đơn kiện của bà Smith, bà đã sử dụng phấn rôm trẻ em J&J để thấm hút mồ hôi và giữ cho làn da khô thoáng trong hơn 15 năm. Đến năm 2003, bà cũng từng sử dụng Shower to Shower, một sản phẩm chứa bột talc do J&J sản xuất trước đây.
Trong đơn kiện, bà Smith trích dẫn hơn 25 nghiên cứu được công bố từ năm 1982 đánh giá mối liên hệ giữa bột talc và nguy cơ ung thư buồng trứng.
Vụ kiện cáo buộc rằng gần như tất cả nghiên cứu đó đều ghi nhận rủi ro liên quan đến việc sử dụng bột talc trên vùng sinh dục. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá việc sử dụng bột talc là “có thể gây ung thư”.
Bà Smith đang yêu cầu J&J nhận án phạt và phải bồi thường chi phí y tế và đền bù cho những đau đớn mà bà trải qua. Bà cho biết căn bệnh ung thư đã thuyên giảm từ năm 2005.
Phát ngôn của nhãn hàng J&J
J&J phải đối mặt với các vụ kiện ngày càng gia tăng trong khoảng một thập kỷ gần đây. Các nguyên đơn cáo buộc rằng bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư trung biểu mô, một loại ung thư hiếm gặp ảnh hưởng đến lớp mô mỏng ở ngực và bụng, là do amiăng có trong phấn rôm trẻ em của công ty gây ra.
J&J liên tục phủ nhận các sản phẩm làm từ bột talc của họ có chứa amiăng. Người phát ngôn của J&J cho biết: “Chúng tôi đảm bảo sự an toàn của phấn rôm trẻ em Johnson. Đó là sản phẩm an toàn, không chứa amiăng và không gây ung thư".
Tuy nhiên, cuộc điều tra năm 2018 của Reuters cho thấy ngay từ 1970, J&J đã biết một số loại phấn rôm trẻ em của họ bị nhiễm một lượng nhỏ amiăng.
Reuters báo cáo rằng họ thu được các báo cáo nội bộ, tài liệu bí mật, cũng như các lời khai trước tòa của J&J. Theo cuộc điều tra, vụ kiện sớm nhất liên quan đến ung thư buồng trứng và phấn rôm trẻ em J&J đã được đệ trình vào năm 1997.
J&J phủ nhận với Reuters việc họ biết hoặc che giấu bất kỳ vấn đề an toàn nào liên quan đến bột talc và cho biết các cuộc kiểm tra độc lập đã cho thấy bột talc của họ không chứa amiăng.
Tiến sĩ Arthur Frank, giáo sư môi trường và sức khỏe nghề nghiệp tại Đại học Drexel, cho hay các giao thức được sử dụng trong các thử nghiệm amiăng của J&J không nhạy bằng một số phương pháp phát hiện khác.
Ông Frank nói: “Các phòng thí nghiệm có phương pháp cẩn thận hơn phòng thí nghiệm của doanh nghiệp đều có thể tìm thấy amiăng trong nhiều sản phẩm".
Chất gây ung thư trộn lẫn với bột talc
J&J đã rút phấn rôm trẻ em khỏi thị trường Bắc Mỹ vào năm 2020 và chuyển sang công thức sử dụng bột bắp. Công ty cho biết họ vẫn tin tưởng vào sự an toàn của phấn rôm trẻ em nhưng họ quyết định đổi công thức do thông tin sai lệch về độ an toàn của sản phẩm khiến nhu cầu của khách hàng giảm. J&J cho biết họ sẽ ngừng bán phấn rôm trẻ em trên toàn cầu trong năm nay.
Talc và amiăng hình thành cùng nhau trong tự nhiên,. Vì vậy, talc thô được thu thập thông qua khai thác mỏ có thể chứa các sợi amiăng.
Tiến sĩ Frank nói: “Các nhà sản xuất này không có quy trình nào có thể loại bỏ amiăng khỏi các vật liệu họ đưa ra thị trường".
Amiăng có thể gây ra một số loại ung thư, bao gồm ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng. Theo Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp, không mức độ phơi nhiễm nào được coi là an toàn.
Ông Frank cho biết những người thường xuyên tiếp xúc với sợi amiăng hoặc tiếp xúc với số lượng lớn chất này sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
WHO coi bột talc có chứa amiăng là chất gây ung thư nhưng không cho bột talc nguyên chất là tác nhân gây ung thư.
Những người mắc ung thư do sử dụng sản phẩm
Bà Mary Ann Bingheri, sống ở Houston, Mỹ, đã sử dụng phấn rôm trẻ em của J&J làm sản phẩm vệ sinh phụ nữ từ năm 1968 đến 2016. Đơn kiện của bà cho biết bà sử dụng cả sản phẩm Shower to Shower.
Bingheri cho biết bà nhận chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 3 vào năm 2008 và cần một năm hóa trị. Bà cho hay năm 2012, căn bệnh tái phát khiến bà phải điều trị hóa chất thêm một năm nữa và trải qua khoảng 35 đợt xạ trị.
Bà chia sẻ: “Lần đầu tiên, nó có kích thước bằng quả dưa gang nhỏ. Lần thứ 2, khối u có kích thước bằng một quả bóng golf lớn”.
Bà Bingheri cho biết mình đã mất vị trí quản lý văn phòng sau khi nghỉ việc để hóa trị và phẫu thuật. Vụ kiện của bà ấy cũng đã bị hoãn lại do thủ đoạn pháp lý Texas Two-Step của J&J.
Leigh O'Dell, luật sư tại công ty luật Beasley Allen, người đại diện cho bà Bingheri và bà Smith, cho biết cả 2 vụ kiện đều trích dẫn cùng một bằng chứng khoa học.
Bà Bingheri cho biết giờ đây, bà lo sợ 2 cô con gái của mình (ở độ tuổi 37 và 48 tuổi) cũng có thể dễ mắc bệnh ung thư hơn vì bà đã sử dụng phấn rôm cho họ khi còn nhỏ.
Đối với các bệnh liên quan đến amiăng, thời gian từ lúc bắt đầu phơi nhiễm đến khi xuất hiện các triệu chứng có thể rơi vào khoảng 10-50 năm.
Trong phán quyết của tòa phúc thẩm gần đây, các thẩm phán xác định LTL Management không gặp khó khăn về tài chính và có đủ nguồn lực để thanh toán các yêu cầu bồi thường. Vì vậy, tòa án đã bác bỏ đơn xin phá sản của công ty con.
Theo các chuyên gia pháp lý, đây là lần đầu tiên một tòa phúc thẩm ra phán quyết chống lại Texas Two-Step. (Tòa án không vô hiệu hóa chiến lược nhưng phán quyết rằng J&J không thể sử dụng nó trong trường hợp này).
Hậu quả J&J có thể phải nhận
Reuters đưa tin trong những năm gần đây, một số công ty khác đã thử các chiến lược tương tự, bao gồm công ty xây dựng Saint-Gobain và công ty sản xuất Georgia-Pacific, thuộc sở hữu của Koch Industries.
Tên chiến lược này đề cập đến luật Texas được sử dụng để công ty đang bị kiện thành lập một công ty con đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý.
Theo Reuters, J&J ban đầu dự định đưa cho LTL 2 tỷ USD để bồi thường cho tất cả 38.000 nguyên đơn hiện tại, cũng như bất kỳ nguyên đơn nào trong tương lai.
Người phát ngôn của J&J cho biết LTL Management đã đưa ra ý tưởng chuyển các vụ kiện lên tòa án phá sản với thiện chí nhằm mang lại lợi ích cho tất cả bên.
Trang web của LTL gợi ý rằng các trường hợp có thể được giải quyết nhanh hơn theo cách đó, trong khi việc giải quyết từng trường hợp có thể mất hàng nghìn năm.
Trang web cho biết: “Quy trình của điều 11 đưa mọi người đến bàn đàm phán để cùng đạt được thỏa thuận. Nó cung cấp giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất cho những người có khiếu nại pháp lý liên quan đến bột talc và mang lại lợi ích bền vững cho các bên”.
Neal Katyal, cố vấn của LTL Management, nhà phân tích pháp lý cho MSNBC, cho biết công ty sẽ yêu cầu một phiên điều trần khác với sự có mặt của toàn bộ tòa phúc thẩm vòng 3 để phản đối hội đồng 3 thẩm phán ra phán quyết chống lại J&J.
Các luật sư đại diện cho các nguyên đơn trong vụ kiện chống lại J&J cho biết phán quyết mới nhất đã cho phép nguyên đơn tiếp tục vụ kiện.
Jonathan Ruckdeschel, luật sư đại diện cho các nguyên đơn trong một số vụ kiện về bột talc, nói việc vụ kiện được xét xử trước bồi thẩm đoàn có trong trong Tu chính án thứ 7 của Hiến pháp.
O'Dell cho biết cô rất vui khi thấy tòa án từ chối chiến lược mà J&J đã sử dụng để chuyển những vụ kiện này sang tòa án về phá sản, nơi họ cảm thấy rằng họ có thể kiểm soát được tình hình.
Reuters đưa tin cho đến nay, J&J đối mặt với nguy cơ bồi thường đến 3,5 tỷ USD nhằm dàn xếp các vụ kiện liên quan đến bột talc.
Trong số đó, 2 tỷ USD là chi phí của vụ kiện liên quan đến 22 phụ nữ. Ban đầu, mức bồi thường là 4,7 tỷ USD nhưng tòa phúc thẩm đã giảm con số xuống 2 tỷ USD.