Ít tác giả Việt dấn thân sáng tác sách tranh

Theo đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng, sách tranh đang là xu hướng, được nhiều phụ huynh lựa chọn. Song nhiều tác giả Việt chưa dấn thân vào mảng sách này.

Không ít người ngộ nhận rằng để trở thành tác giả sách tranh thì phải biết vẽ tranh và công việc này chỉ dành cho họa sĩ. Tuy nhiên, buổi workshop “Bước vào thế giới sách tranh thuần Việt: Hành trình trở thành tác giả sách tranh” do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức vào ngày 21/8 đã cho thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược.

Những năm gần đây, thị trường sách tranh thiếu nhi trong nước ngày càng sôi động với nhiều đầu sách liên tục ra mắt, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của các bậc phụ huynh tìm sách đọc cho trẻ.

Sách tranh thuần Việt vẫn còn khiêm tốn

Trao đổi với Zing, ông Phan Cao Hoài Nam - Biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng - cho biết trong thời đại chuộng nghe nhìn như hiện nay, nhu cầu sách tranh ở thị trường Việt Nam đang rất cao. So với các loại hình khác dành cho trẻ nhỏ thì sách tranh chiếm ưu thế lớn.

"Phụ huynh chắc chắn không muốn con xem YouTube, Tiktok trên một chiếc điện thoại, nhưng các bé còn quá nhỏ nên cũng không thể đọc sách nhiều chữ được. Ưu điểm của các sách tranh khổ lớn chính là vừa tầm mắt cả hai người, ít chữ, phù hợp để phụ huynh đọc cho các bé trước khi ngủ", ông Nam nói.

Hành trình đầu tiên - sách tranh của Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đoạt giải cao nhất của Scholastic Picture Book Award. Ảnh: H.N.T.

Lượng sách tranh thuần Việt hiện nay vẫn còn khá ít trên thị trường nếu so với sách tranh nước ngoài. Nguyên nhân là với sách tranh nước ngoài, từ khâu mua bản quyền đến phát hành, nhà xuất bản thường chỉ mất một tháng để hoàn tất. Vì sách tranh ít chữ nên việc dịch thường diễn ra trong vòng một tuần, công đoạn biên tập và dàn trang sau đó cũng không mất nhiều thời gian vì đã có khung sườn sẵn từ tác phẩm gốc.

Trong khi đó, theo ông Nam chia sẻ, việc sản xuất một tác phẩm sách tranh thuần Việt sẽ mất thời gian hơn rất nhiều, thông thường từ sáu tháng đến một năm mới có thể hoàn thành.

Khâu chiếm nhiều thời gian nhất chính là công đoạn vẽ tranh minh họa, trung bình một họa sĩ cần ba đến bốn tháng để hoàn thành phần này. Chính vì mất thời gian hơn so với sách dịch nên vẫn chưa có nhiều đơn vị mặn mà với việc tự sản xuất sách tranh thuần Việt.

Dù việc tự sản xuất sách tranh thuần Việt sẽ tốn kém nhiều thời gian và công sức hơn nhưng trong vòng 5 năm vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn đang đẩy mạnh hình thức này với mong muốn phụ huynh và các bé có thể tiếp cận với những câu chuyện, khung cảnh gần gũi văn hóa Việt Nam. Nhờ đó, tác phẩm sẽ có sức sống lâu dài hơn ở thị trường nội địa.

Ông Hoài Nam cho biết chỉ tính riêng chi nhánh Kim Đồng ở miền Nam thì số sách tranh thuần Việt được xuất bản trong một năm đã chiếm đến 30% tổng số sách xuất bản ở đây.

Sách tranh Hành trình Đông A của tác giả Trần Tuyết Hàn viết về thời Trần. Ảnh: Hà Phùng.

Chưa nhiều người dấn thân

Số tác giả sáng tác sách tranh thuần Việt đang rất ít so với nhu cầu thị trường bởi thông tin về công việc này chưa nhiều và có những ngộ nhận sai lầm. Tác giả sách tranh không cần phải biết vẽ mà chỉ cần biết viết, biết kể chuyện để thực hiện phần kịch bản và lời cho sách, phần minh họa đã có họa sĩ đảm nhiệm.

“Cũng có những quyển mà họa sĩ đảm nhận cả hai công việc là vừa viết lời vừa vẽ tranh. Tuy nhiên, con số đó không nhiều, cả những tác phẩm nước ngoài cũng vậy. Tác giả sách tranh thực sự là một chức danh nghề nghiệp chuyên biệt", ông Hoài Nam chia sẻ.

Hiện nay, thị trường trong nước ít tác giả chuyên hẳn về mảng sáng tác sách tranh. Những tác giả sách tranh ở hiện tại thường là những cây bút hoạt động trong lĩnh vực văn chương, điện ảnh, hội họa… với thế mạnh có sẵn về ngôn từ, tư duy hình ảnh.

Ông Phan Cao Hoài Nam (đứng) chia sẻ về công việc sáng tác sách tranh. Ảnh: Lập Nhật.

Ông Hoài Nam cho biết: "Đôi khi bản thảo gửi về cũng nhiều nhưng vì phần lớn mọi người chưa nắm được kĩ thuật sáng tác câu chuyện, phần lời cho sách tranh nên hầu hết đều không sử dụng được".

Khi nói về những thách thức đối với một người chưa biết gì và muốn theo đuổi con đường sáng tác sách tranh, ông Nam chia sẻ: “Gần như chẳng có thách thức gì cả, ai cũng có thể sáng tác sách tranh được. Sách tranh có phần lời rất ít và kịch bản cũng đơn giản, chỉ cần bạn có ý tưởng và câu chuyện hay thì đôi khi việc viết ra toàn bộ chỉ mất vài tiếng đồng hồ, hoặc thậm chí là 30 phút".

Trong buổi workshop, ông Phan Cao Hoài Nam cũng chia sẻ quy trình sản xuất sách tranh thuần Việt, những điều tác giả nên tránh khi gửi bản thảo về cho đơn vị xuất bản. Khác những loại hình khác, tác giả không nên gửi bản thảo đã hoàn chỉnh cho nhà xuất bản mà nên gửi trước kịch bản đề cương.

Ông Nam chia sẻ đôi khi, chỉ cần vài gạch đầu dòng đơn giản ghi lại nội dung bạn muốn truyền đạt và lời thoại trong từng trang là được. Nhiều bạn không biết đã tự nhờ luôn cả họa sĩ vẽ minh họa xong xuôi hết rồi mới nộp bản thảo cho nhà xuất bản. Lúc ấy, ban biên tập nếu có điều chỉnh về mặt nội dung thì sẽ phải bỏ hết những tranh minh họa đó và cho họa sĩ của nhà xuất bản vẽ lại, rất lãng phí.

"Các bạn nên làm việc với ban biên tập ngay từ khâu ý tưởng để ra phần nội dung và lời hoàn chỉnh, sau đó thì việc minh họa đã có họa sĩ lo", ông Nam đưa lời khuyên.

Chính vì có những ngộ nhận về tác giả sách tranh, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức workshop "Bước vào thế giới sách tranh thuần Việt: Hành trình trở thành tác giả sách tranh" để hướng dẫn kỹ thuật sáng tác câu chuyện, phần lời cho sách tranh, đồng thời tìm kiếm thêm những gương mặt tác giả mới.

Bà Phan Hồn Nhiên, Phó giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng tại TP.HCM, cho biết trong buổi workshop nếu người tham dự đưa ra ý tưởng nào tốt thì sẽ được ban biên tập mời cộng tác, đưa vào kế hoạch sản xuất sách cho năm sau.

Vì có tính chất tìm kiếm và đào tạo, buổi workshop lần này không phải là một buổi đơn lẻ mà nằm trong chuỗi workshop về đào tạo kỹ thuật làm sách tranh sẽ được Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức định kỳ trong thời gian tới.

Lập Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/it-tac-gia-viet-dan-than-sang-tac-sach-tranh-post1336775.html