'Huyền thoại' Toán học Lê Bá Khánh Trình
TS Lê Bá Khánh Trình được biết đến như một 'huyền thoại' của Toán học Việt Nam khi điểm tuyệt đối 40/40, nhận giải đặc biệt cho thí sinh có lời giải đẹp tại Olympic Toán quốc tế 1979.
Năm 1979, tại kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) tổ chức ở London, Lê Bá Khánh Trình, khi đó là học sinh lớp chuyên Toán của trường Quốc học Huế, đã đạt thành tích xuất sắc với số điểm tuyệt đối 40/40. Đặc biệt, ông còn được trao giải đặc biệt cho lời giải đẹp nhất, một vinh dự mà đến nay chưa thí sinh Việt Nam nào khác đạt được.
Giành điểm tuyệt đối, nhận giải đặc biệt cho thí sinh có lời giải đẹp IMO

TS Lê Bá Khánh Trình cùng 2 học sinh đoạt huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2013 (Ảnh: L.P).
Bài toán giúp Lê Bá Khánh Trình nhận giải đặc biệt là bài số 3 trong đề thi năm đó. Theo chia sẻ của ông, trước ngày thi, ông bị cảm và khá mệt mỏi. Trong phòng thi, do đọc nhầm đề, ông hiểu sai yêu cầu và chỉ phát hiện ra lỗi này khi thời gian làm bài sắp hết. Trong tình huống cấp bách, ông đã tìm cách viết lời giải ngắn gọn nhất có thể.
Lời giải của Lê Bá Khánh Trình ngắn gọn, không phức tạp như đáp án ban đầu. Nhưng cũng vì thế, mới đầu, ban giám khảo cho rằng có thể sai sót. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, họ không tìm thấy lỗi nào và nhận ra sự độc đáo trong cách tiếp cận của ông. Giáo sư Tony Gardiner, một trong những giám khảo năm đó, đã đề xuất trao giải đặc biệt cho lời giải này.
Thành tích của Lê Bá Khánh Trình không chỉ làm rạng danh Việt Nam trên đấu trường quốc tế mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh yêu thích Toán học. Lời giải độc đáo của ông được coi là kinh điển, thể hiện tư duy sáng tạo và khả năng ứng biến tuyệt vời.
Đến nay, ông vẫn là thí sinh Việt Nam duy nhất đạt giải đặc biệt cho lời giải đẹp tại IMO, khẳng định vị thế đặc biệt của mình trong lịch sử Toán học nước nhà. Lời giải này sau đó được lưu hành trong các tuyển tập đề olympic toán, thay cho đáp án của ban tổ chức.
Người thầy “huyền thoại”
Sau thành công tại IMO, Lê Bá Khánh Trình được tuyển thẳng vào Khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Tại đây, ông làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Người thầy "huyền thoại" Lê Bá Khánh Trình. Ảnh: Thanh Hùng.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, Lê Bá Khánh Trình đã có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông quyết định trở về Việt Nam và chọn con đường giảng dạy. Sau khi về nước, từ năm 1991, ông đã gắn bó với công việc giảng dạy tại Khoa Toán - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM.
Ông không chỉ giảng dạy cho sinh viên mà còn tham gia đào tạo học sinh trường Phổ thông Năng khiếu. Nhiều năm liền, ông tham gia tuyển chọn và huấn luyện đội tuyển Việt Nam dự thi IMO, đảm nhận vai trò trưởng hoặc phó đoàn. Từ năm 2015, ông còn tham gia huấn luyện cho đội tuyển IMO của Saudi Arabia, giúp họ đạt thành tích tốt trong các kỳ thi quốc tế.
TS Lê Bá Khánh Trình chia sẻ rằng nghề giáo đến với ông như một "nghiệp dĩ", một cái duyên số. Trong thời gian học tại Đại học Tổng hợp Lomonosov, mỗi khi thấy giáo viên giảng dạy điều gì hay, ông đều tưởng tượng cách truyền đạt lại cho học trò trong tương lai.
"Nghề giáo với tôi có lẽ là duyên nợ, là 'nghề chọn mình'", ông chia sẻ. Ông cũng không thích việc phải cầm đơn xin việc hay tìm kiếm công việc bình lặng để hưởng thụ riêng, mà mong muốn tìm một công việc phù hợp với tính cách và sức khỏe của mình. Vì vậy, nghề giáo trở thành lựa chọn lý tưởng đối với ông.
Trong suốt sự nghiệp giảng dạy, Lê Bá Khánh Trình luôn tìm cách biến những kiến thức toán học khô khan thành những điều đơn giản, gần gũi và dễ hiểu cho học trò. Ông thường tạo không khí thoải mái trong lớp học bằng cách đố vui về âm nhạc hay đùa nghịch với học trò, giúp tiết học trở nên sinh động và hiệu quả hơn. Ông tin rằng việc để học trò tự tư duy và tìm ra cách giải quyết vấn đề sẽ giúp các em nhớ lâu hơn. TS Lê Bá Khánh Trình đã truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ học trò, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toán học nước nhà.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Hiệu phó Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP HCM đã gọi TS Lê Bá Khánh Trình là “huyền thoại” của Trường Phổ thông Năng khiếu. Trong chặng đường 32 năm, dưới sự dẫn dắt của TS Lê Bá Khánh Trình, đội tuyển Toán của Trường Phổ thông năng khiếu đã đóng góp cho trường hàng trăm giải quốc gia, trong đó có hơn một nửa số năm có giải nhất. Đặc biệt tổ toán đóng góp 20 huy chương quốc tế và khu vực, trong đó có 5 huy chương vàng.
Sinh viên khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên và học sinh trường Phổ thông Năng khiếu biết đến thầy Trình nghiêm khắc, giảng dạy rất nhiệt tình. Đồng nghiệp, trong đó có các thầy tham gia Ban đề thi THPT quốc gia hay thi học sinh giỏi quốc gia, nhận xét thầy Trình - người tổ trưởng - cẩn thận, nghiêm túc, nhẹ nhàng (không bao giờ lên giọng trong tranh cãi).
Dù đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực toán học, Lê Bá Khánh Trình luôn giữ lối sống giản dị và khiêm tốn. Ông cho rằng: "Tôi biết sức mình nên chọn công việc phù hợp nhất, nơi tôi phát huy được sở trường. Nếu làm khoa học hay quản lý, chắc tôi sẽ là nhà khoa học làng nhàng, nhà quản lý kém. Tôi làm giáo viên thấy tự tin và hợp sức mình nhất".
Được biết đến không chỉ là một “huyền thoại Toán học” của Việt Nam, TS Lê Bá Khánh Trình còn nổi tiếng là một người đa tài và đầy năng lượng, chơi bóng bàn, bóng đá tốt. Ông vừa là thủ môn, vừa là tiền đạo xuất sắc của đội tuyển Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva (MGU). Ông cũng là trưởng ban văn nghệ của sinh viên Việt Nam khoa Toán - Cơ bởi tài nhảy đẹp, biết chơi organ, guitar modern.
Mới đây, TS Lê Bá Khánh Trình vừa thôi đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng tổ Toán của Trường Phổ thông năng khiếu sau 32 năm giữ vị trí này theo nguyện vọng cá nhân. Dù thôi giữ cương vị Tổ trưởng nhưng TS Lê Bá Khánh Trình vẫn làm cố vấn cho trường về công tác đào tạo học sinh giỏi và là giáo viên dạy hình học.
“Nhớ lại một chặng đường 41 năm chia ngọt sẻ bùi với anh, cả trong công việc, trong chuyên môn lẫn trên sân bóng, trong các buổi ca hát, văn nghệ, trong những chuyến pokhod tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc khi có một người anh, người bạn như anh”, TS Trần Nam Dũng chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video: Mời quý độc giả xem video: thầy Lê Văn Thắng, giáo viên tại điểm trường thôn Lếch Mông B (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Thanh Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) chia sẻ về ước mơ của mình. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.