Huyện Mỹ Đức đưa giống mới vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mở rộng vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa bền vững, và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất là chủ trương của huyện Mỹ Đức, nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp 3 xã: Bột Xuyên, Phúc Lâm, Hương Sơn triển khai thực hiện các mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu (sản xuất ngô nếp lai giống mới HN268, sản xuất khoai tây giống mới vụ Đông trên đất hai lúa, sản xuất hoa lily trồng chậu)... bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận; các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống, 50% vật tư để tiến hành sản xuất.
Theo đó, mô hình sản xuất ngô nếp lai giống mới HN268, quy mô 20ha, được triển khai tại xã Bột Xuyên với 9 hộ tham gia. Qua đánh giá đã thực hiện đúng theo yêu cầu đề ra. Các hộ tham gia mô hình đã nhận đủ lượng giống, vật tư hỗ trợ… thực hiện trồng và chăm sóc cơ bản theo đúng quy trình kỹ thuật, diện tích trồng tập trung. Đem lại hiệu quả đáng ghi nhận, ngô HN268 có chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi thơm ngon, dẻo…
Mô hình phát triển hiệu quả, có khả năng nhân rộng diện tích ở các năm tiếp theo. Chi phí sản xuất phù hợp, năng suất cao đạt 15 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 12.750.000đồng/ha so với giống HN88. Hơn nữa đã góp phần giới thiệu giống ngô nếp lai mới có năng suất cao, chất lượng tốt thúc đầy mở rộng sản xuất cây trồng vụ Đông trên đất cấy lúa, mang lại hiệu quả cho người sản xuất.
Mô hình sản xuất khoai tây giống mới Julinka trên đất hai lúa, với quy mô 15ha, có 88 hộ tham gia. Qua theo dõi, giống khoai tây Julinka có ưu điểm thân to mập, cứng, canh tác phù hợp. Thời gian sinh trưởng dài hơn, chống chịu sâu bệnh tốt, chịu hạn tốt hơn giống khoai Marabel.
Số lượng củ khoai/khóm cao hơn, chi phí sản xuất khoai tây Julinka cao hơn Marabel do giá giống cao hơn. Khoai tây Julinka dự kiến năng suất đạt 20,3 tấn/ha, năng suất cao hơn so với đối chứng 1,7 tấn/ha (9,1%), tỷ lệ khoai tây loại 1 cao hơn (khoảng 5,5%), hiệu quả kinh tế cao hơn 15.687.000đồng/ha.
Mô hình đã tạo ra sản phẩm rau ăn củ an toàn, chất lượng. Cùng với phần thân, lá khoai tây sau thu hoạch sẽ trở thành lượng phân hữu cơ, bồi thêm cho đất trong vụ Xuân, vừa cải tạo đất, vừa tiết kiệm được một phần phân bón hóa học, đặc biệt là giảm được sâu bệnh cho vụ lúa Xuân.
Đối với mô hình sản xuất hoa lily trồng chậu, quy mô 2.000 m2 được trồng tại xã Phúc Lâm và xã Hương Sơn, có các giống hoa Lily: Tabledance, Tarrango, Pavia. Ước tính đến thời điểm thu hoạch, cả 3 giống hoa Lily đang sinh trưởng và phát triển tốt, sạch sâu bệnh, chiều cao cây khoảng 60 - 90 cm tùy theo giống, số nụ trên cây từ 4 - 7 nụ tùy theo giống, tỷ lệ sống đạt 98%. Tỷ lệ phân hóa nụ hoa đạt 99,2% - 99,9% tùy loại, dự kiến thu hoạch vào dịp tết Nguyên Đán năm 2024 với tỷ lệ hoa đạt cao. Dự kiến hiệu quả kinh tế (tính cho 1.000 m2) với giá bán 195.000đồng/chậu cho thu lãi 139.659.000 đồng.
Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Mỹ Đức Trần Thị Toan cho biết: Kết quả thực hiện các mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, đã góp phần tạo được hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Thời gian tiếp theo, Trạm khuyến nông huyện tiếp tục đề nghị Thành phố và lãnh đạo huyện quan tâm, tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình trình diễn một số giống cây trồng mới có tiềm năng, giá trị cao vào sản xuất để khẳng định hiệu quả nhân ra diện rộng.