Huyện Lương Sơn: Hiệu quả công tác giáo dục đối tượng tại địa phương

Những năm qua, huyện Lương Sơn triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính (XLHC) giáo dục tại xã, phường, thị trấn, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp, Công an huyện, UBND các xã, thị trấn, phòng, ban, ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển khai áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp các địa phương đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền đến người dân nắm rõ quy định của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, UBND huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); kiểm tra, đôn đốc các địa phương, phối hợp cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, PBGDPL về Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành cho những người làm công tác XLVPHC, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người dân trong thực hiện, áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn; vận động người dân tham gia vào công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ở các địa phương.

Qua thống kê, trong 8 năm (2013 - 2020), 498 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục trên địa bàn huyện, trong đó, 5 đối tượng từ đủ 14 - 18 tuổi; 493 đối tượng nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đúng quy định. Sau khi UBND các xã, thị trấn ban hành quyết định áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn, các đối tượng đều cơ bản chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Một số đối tượng đã chấp hành xong biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn có việc làm, thu nhập, góp phần ổn định ANTT ở địa phương.

Qua triển khai áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tác động tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ANCT - TTATXH tại địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc về điều kiện áp dụng biện pháp XLHC, hồ sơ áp dụng, xác định hành vi đối tượng, xác định người nghiện ma túy, kinh phí chưa đảm bảo…, gây khó khăn cho địa phương trong cách hiểu, thực hiện quy định của pháp luật và các đơn vị cơ sở trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác XLVPHC ở các xã, thị trấn còn thiếu, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ do chủ yếu là kiêm nhiệm; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đối tượng; cán bộ y tế tại xã, thị trấn chưa đáp ứng điều kiện trong việc xác định tình trạng nghiện ma túy đối với đối tượng nghiện ma túy theo quy định...

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn góp phần tích cực phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền về chủ trương của Nhà nước trong công tác quản lý, giáo dục người vi phạm tại cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về tầm quan trọng, tác dụng của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; xác định trách nhiệm cụ thể của chính quyền, tổ chức xã hội trong việc quản lý, giáo dục, cảm hóa người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; vận động đối tượng, gia đình có con em vi phạm đang bị áp dụng biện pháp này để hạn chế tình trạng đối tượng tái phạm. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, kiến thức pháp luật cho những người làm công tác XLVPHC để nâng cao hiệu quả công tác.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/156758/huyen-luong-son-hieu-qua-cong-tac-giao-duc-doi-tuong-tai-dia-phuong.htm