Huyện Lạc Thủy phát triển vùng động lực kinh tế

Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 03/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đưa thị trấn Chi Nê cùng 6 xã của huyện Lạc Thủy vào vùng động lực kinh tế của tỉnh. Qua hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết, huyện Lạc Thủy đã tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp và một số ngành kinh tế trọng điểm. Qua đó góp phần quan trọng phát triển KT - XH của huyện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo tiền đề thu hút đầu tư.

Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 03/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đưa thị trấn Chi Nê cùng 6 xã của huyện Lạc Thủy vào vùng động lực kinh tế của tỉnh. Qua hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết, huyện Lạc Thủy đã tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp và một số ngành kinh tế trọng điểm. Qua đó góp phần quan trọng phát triển KT - XH của huyện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo tiền đề thu hút đầu tư.

Nông dân thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo lãnh đạo Huyện ủy Lạc Thủy, để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển vùng động lực, UBND huyện lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Lạc Thủy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đi kèm với đó là các kế hoạch nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (DDCI) của huyện. Việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tiến hành nghiêm túc, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư được chú trọng và tăng cường, đặc biệt ưu tiên vào các xã vùng động lực.

Đến nay, huyện có 1 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích 282 ha và 5 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 282,25 ha. Trong đó có 3 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, 2 cụm đang tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư. Toàn huyện đã thu hút được 68 dự án đầu tư vào địa bàn với tổng số vốn đăng ký khoảng 47.164 tỷ đồng, riêng trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay thu hút được 30 dự án. Có 35/68 dự án đi vào sản xuất kinh doanh, chiếm 51,5% tổng số dự án. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm phát triển nhằm khai thác và chế biến các loại vật liệu sẵn có tại địa phương. Hiện toàn huyện có gần 450 cơ sở, tổ chức tham gia trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 1 làng nghề đá cảnh.

Đặc biệt, xác định nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, huyện Lạc Thủy đã tập trung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Lạc Thủy đã triển khai thực hiện đồng bộ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó chú trọng dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, phát triển cây ăn quả có múi và sản xuất rau an toàn. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về phát triển và nuôi trồng thủy sản; diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản được duy trì là 605 ha, sản lượng khai thác bình quân trên 700 tấn/năm.

Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết: Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tạo điều kiện để huyện Lạc Thủy xây dựng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng động lực nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết, phòng Tài chính - Kế hoạch đã tham mưu UBND huyện thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác thu hút đầu tư. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp. Xây dựng, quảng bá các hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của huyện. Ưu tiên các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Hoàn thiện xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp đang hoạt động; ưu tiên bố trí ngân sách hoàn thiện hạ tầng một số cụm công nghiệp có điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư... Tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, lề lối, tác phong làm việc, thái độ cởi mở khi giải quyết các công việc với người dân và doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện các dự án đầu tư tại huyện. Đấu tranh có hiệu quả phòng chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà và kiên quyết xử lý.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191271/huyen-lac-thuy-phat-trien-vung-dong-luc-kinh-te.htm