Huyện Kim Bôi: Từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Những năm qua, huyện Kim Bôi đã đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa
Những năm qua, huyện Kim Bôi đã đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa "ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân một cách bền vững.
Mường Động - Kim Bôi là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh sở hữu tài nguyên du lịch riêng. Đó là vùng đất tươi đẹp, phong cảnh mộng mơ, thiên nhiên ban tặng nguồn suối khoáng nóng được ví như vàng trắng, tốt cho sức khỏe con người. Đây là những điều kiện lý tưởng để Kim Bôi phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng và tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, ngày 12/9/2017, UBND huyện ban hành Quyết định số 5161 về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời tăng cường quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với phát triển KT-XH của địa phương.
Đồng chí Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện và phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, những năm qua, huyện chủ động xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án; chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư; phát triển hạ tầng du lịch phù hợp với quy hoạch và điều kiện KT-XH của huyện; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với đó, chúng tôi quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng địa phương, đây là nhân tố đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững. Đi đôi với đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, huyện chú trọng duy trì các lễ hội truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc”.
Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch được huyện Kim Bôi quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều tuyến đường vào các điểm du lịch được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, ngành du lịch huyện đã tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động, trong đó, trên 500 lao động trực tiếp có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác quảng bá về du lịch, từ đó thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư như: Tập đoàn Apec, Sun Group, Công ty cổ phần Lã Vọng Group... với tổng số 28 dự án.
Công tác lập quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch trọng điểm được huyện tập trung thực hiện; xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên khai thác tối ưu giá trị về văn hóa, kiến trúc và tập quán, bản sắc văn hóa cộng đồng gắn chặt chẽ với bảo tồn để thu hút khách du lịch. Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Xác định phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa là thế mạnh trong phát triển du lịch, thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân về nội dung liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Năm 2022, với sự phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch của huyện Kim Bôi đạt được những kết quả ấn tượng. Các khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng như: Serena Resort Kim Bôi - xã Sào Báy, An Lạc Eco Farm and Hot Springs - xã Vĩnh Đồng, V’Resort - xã Vĩnh Tiến thu hút đông đảo khách đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Đây cũng là các điểm đến góp phần tăng doanh thu đáng kể cho hoạt động du lịch trên địa bàn. Năm 2023, toàn huyện đón trên 480 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch (1.800 lượt khách quốc tế, trên 398 nghìn lượt khách nội địa), khách tham quan trong ngày trên 400 nghìn lượt, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 550 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong những năm tới, huyện Kim Bôi tập trung huy động nguồn lực để phát triển KT-XH dựa trên 3 trụ cột chính là nông nghiệp chất lượng cao, du lịch và dịch vụ, tạo nền tảng để du lịch huyện ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Bùi Thoa
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)