Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15-6) Phòng, chống sốt xuất huyết: Cần sự chung tay của cộng đồng

Sốt xuất huyết (SXH) đã và đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Năm 2010, bộ trưởng y tế các nước ASEAN đã đồng thuận lấy ngày 15-6 hàng năm là Ngày ASEAN phòng, chống SXH. Đây là dịp để người dân trong khu vực nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa căn bệnh này.

Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 14-6, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.550 trường hợp mắc bệnh SXH, có 1 trường hợp tử vong (tại thị xã Ninh Hòa). Các địa phương có số ca mắc cao gồm: Thị xã Ninh Hòa 678 ca; TP. Nha Trang 339 ca; huyện Khánh Vĩnh 152 ca; huyện Vạn Ninh 144 ca; huyện Diên Khánh 113 ca; TP. Cam Ranh 67 ca; huyện Cam Lâm 58 ca... Có 108 ổ dịch được phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Ninh Hòa có 50 ổ dịch, Nha Trang 33 ổ dịch, Cam Lâm 9 ổ dịch, Diên Khánh 7 ổ dịch, Vạn Ninh 6 ổ dịch, Khánh Vĩnh 2 ổ dịch và Cam Lâm 1 ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 1,7 lần, số ổ dịch tăng 2,8 lần, tăng 1 trường hợp tử vong.

Cán bộ y tế huyện Diên Khánh hướng dẫn người dân diệt trứng muỗi bám vào thành bình.

Số ca mắc SXH có xu hướng tăng từ tuần 20 đến tuần 22; kết hợp thời tiết hiện nay xuất hiện những cơn mưa tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển. Vì vậy, ngành Y tế dự báo số ca mắc có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, có khả năng đạt đỉnh dịch vào cuối tháng 6 và 7. Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nguyên nhân số ca mắc cao là do các hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch đã trở lại bình thường sau khoảng thời gian phòng, chống dịch Covid-19; các công trình xây dựng được triển khai, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, tạo điều kiện phát tán mầm bệnh. Mặt khác, một số người dân vẫn còn chủ quan, tự mua thuốc về nhà điều trị khi mắc SXH, dẫn tới trạm y tế không nắm được thông tin về trường hợp bệnh để giám sát và xử lý dịch kịp thời. Ngoài ra, người dân vẫn chưa tự giác thực hiện các giải pháp diệt lăng quăng tại nhà để phòng, chống bệnh; các nhóm diệt lăng quăng chủ yếu tuyên truyền, vận động là chính, chưa cùng với người dân thực hiện diệt lăng quăng. Kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại một số địa phương cho thấy, các chỉ số muỗi, vật dụng chứa nước có lăng quăng vẫn còn cao. Tại các hộ gia đình có người bệnh SXH, khi kiểm tra các vật dụng chứa nước vẫn có lăng quăng.

Cùng với đó, các thông tư, văn bản hướng dẫn chi cho công tác diệt lăng quăng hiện nay chưa có. Vì vậy, các địa phương rất lúng túng, khó khăn trong việc thực hiện chi trả công cho các nhóm, tổ diệt lăng quăng khi tổ chức các hoạt động xử lý dịch. Công tác xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng, xử lý dịch của các trạm y tế chưa cụ thể, chi tiết, do đó khi triển khai gặp nhiều lúng túng, hiệu quả không cao, bỏ sót hộ gia đình. Ngoài ra, một số thành viên các nhóm diệt lăng quăng chưa có nhiều kỹ năng về cách diệt, loại bỏ trứng muỗi còn bám trên thành các vật chứa nước sinh hoạt để tránh lăng quăng tiếp tục nở ra sau khi cho nước vào lại…

Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, ngay từ đầu năm, nhất là những tháng gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức các đợt giám sát, phát hiện, xử lý sớm các ổ dịch SXH mới phát sinh ở các huyện, thị xã, thành phố, hạn chế các trường hợp mắc mới. Các địa phương tiếp tục thực hiện công tác diệt lăng quăng tại những thôn, tổ dân phố có nguy cơ cao với tần suất 1 tuần/lần. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, chiến dịch vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH; chủ động triển khai các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi tại các xã, phường trọng điểm… Bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế, các ban, ngành, đoàn thể, người dân cũng cần chung tay triển khai quyết liệt các giải pháp phòng dịch để từng bước kiểm soát tốt và đẩy lùi dịch bệnh SXH.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202306/huong-ung-ngay-asean-phong-chong-sot-xuat-huyet-15-6-phong-chong-sot-xuat-huyetcan-su-chung-tay-cua-cong-dong-25b5776/