Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chuyên gia Nga: Tính chất xã hội chủ nghĩa cho phép giải quyết mọi vấn đề hiện nay

Ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia Nga trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á - Âu đã có cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Báo Quân đội nhân dân Điện tử với rất nhiều cảm nhận, đánh giá sâu sắc về bài viết mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam'.

Tính chất XHCN cho phép giải quyết mọi vấn đề hiện nay

Phóng viên (PV): Là chuyên gia nghiên cứu, ông có đánh giá gì sau khi đọc bài viết với những luận điểm chính về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam hiện nay của GS, TS Nguyễn Phú Trọng?

Chuyên gia Trofimchuk: Trước hết, tôi đánh giá cao tính nền tảng trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi lẽ, nếu không hiểu về mặt lý luận của giai đoạn tiếp tục xây dựng CNXH hiện nay ở Việt Nam thì rất khó để tiến lên phía trước. Sự hiểu biết này là rất quan trọng hiện nay, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Hơn nữa, chính tính chất XHCN của nền kinh tế nhà nước sẽ cho phép giải quyết mọi vấn đề hiện nay. Không có yếu tố cấu thành quan trọng nhất về mặt tư tưởng này thì cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước và nâng cao đời sống nhân dân trên thực tế là vô nghĩa. Với tư cách là một chuyên gia, tôi muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa của khái niệm “Dân chủ” trong nền tư tưởng của Việt Nam. Khái niệm này ở đây được đưa vào với một nghĩa hoàn toàn khác, bởi nó phải được hiểu là dân chủ thực sự, dân chủ nhân dân, mà không được để trong dấu ngoặc kép. Nó khác với cái gọi là “dân chủ” theo kiểu phương Tây, nơi mà tự do được rao giảng chỉ qua lời nói.

 Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: dangcongsan.vn.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: dangcongsan.vn.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, chính người Nga và người dân các nước hậu Xô viết đã hiểu ra vấn đề này trên thực tế một cách sâu sắc nhất. Và bây giờ, họ theo dõi rất sát sao sự phát triển không ngừng của nền dân chủ XHCN ở Việt Nam, với mong muốn Việt Nam sẽ thành công. Như vậy, trong bài viết của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nói đến điều cơ bản nhất, mà không có nó thì về mặt nguyên tắc, sẽ không thể có bất kỳ sự phát triển xã hội và nhà nước nào, khi mở đầu bài viết bằng câu “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng…”.

Tôi cũng đánh giá cao kinh nghiệm to lớn của nhân dân Việt Nam, thậm chí là kinh nghiệm đầy gian khổ của một dân tộc từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Điều này đã giúp cho Việt Nam tiếp tục khẳng định mình trên con đường tiến lên XHCN. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do"”.

Cảm ơn đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã không quên Lênin

PV: Mục tiêu, con đường, biện pháp đi lên CNXH ở Việt Nam như trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều nét tương đồng với quan điểm của Lênin và Đảng Cộng sản Liên Xô trong xây dựng CNXH như chính sách kinh tế mới (NEP) của Lênin, khẳng định thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận yếu tố TBCN trong thời kỳ quá độ…Theo ông, những tư duy đó có phù hợp với thực tiễn giai đoạn hiện nay không?

Chuyên gia Trofimchuk: Chúng tôi rất cám ơn đồng chí Nguyễn Phú Trọng, cám ơn Đảng Cộng sản Việt Nam vì không những không quên tên tuổi Lênin, mà còn phát triển, vận dụng học thuyết của Lênin vào thực tiễn hôm nay và tương lai. Đáng tiếc là, chính tại nước Nga có lúc người ta ít khi nói đến Lênin, nếu không muốn nói là cố tình lãng quên. Tuy nhiên, nếu không có những trang sử chói lọi như vậy của đất nước mình và thế giới, thì chúng ta sẽ không thể bước tiếp xa hơn, như thực tế đã chứng minh. Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng những quan điểm mang tính nguyên tắc của mình dựa trên di sản của Lênin, cho thấy sự gần gũi về mặt tâm hồn giữa người Việt và người Nga, hai dân tộc có quan điểm tương đồng về các vấn đề chính trị - xã hội. Bởi lẽ, như chúng ta đều biết, trong lịch sử thế giới mới đã từng có một bộ phận đảng viên cộng sản khác đã mưu toan vô ích để tạo ra con đường đi riêng của mình, mà không chú trọng đến những tư tưởng của Lênin. Ở đây có nghĩa là, những người bạn Việt Nam đã khẳng định sự trung thành với quan hệ truyền thống của chúng ta, với những quan điểm xã hội tương đồng.

Vì vậy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những bài viết khác trong lĩnh vực này cho chúng ta hiểu rõ rằng, quan điểm của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Kế hoạch đổi mới vĩ đại diễn ra cách đây 100 năm, đầu những năm 1920 do Lênin đưa ra. Kế hoạch này có đưa ra lý luận và thực tiễn, trong đó cũng tìm thấy công thức lý tưởng để phát triển đất nước rộng lớn trong tương lai. Tại Việt Nam, lý luận phát triển này có liên quan đến Hồ Chí Minh, Người đã vận dụng kết hợp kinh nghiệm của nước Nga xa xôi với kinh nghiệm của Việt Nam quê hương mình. Bởi lẽ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.

Ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á - Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tư tưởng của Lênin và Hồ Chí Minh không chỉ phù hợp với thực tiễn giai đoạn hiện nay, mà còn cho thấy làm thế nào để vượt qua mọi khó khăn trong lĩnh vực kinh tế – chính trị và xã hội. Kẻ nào mưu toan phủ nhận những quy luật tự nhiên của cuộc sống con người, kẻ đó chắc chắn sẽ nhận lấy sự thất bại trong cuộc sống, cũng như sự suy vong của nhà nước nói chung. Nên nhớ rằng, tham nhũng là “cột đỡ” chính của bất kỳ một nhà nước nào đi ngược lại xã hội, bất kỳ một nhà nước phi xã hội chủ nghĩa nào. Vì vậy, loại trừ tham nhũng mà không có công cụ xã hội và XHCN là không thể. Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại rằng, ở Liên Xô từng tồn tại nạn nhận hối lộ, còn các vụ tham nhũng lại xảy ra theo quy mô rất lớn, khi người ta đem ra mua bán toàn bộ các ngành kinh tế. Không thể đánh bại tham nhũng, khi trong tay không có công cụ đủ mạnh như công cụ xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói rằng, Liên Xô sụp đổ không phải vì không có học thuyết tư tưởng cần thiết, mà ngược lại học thuyết của Liên Xô từng là tốt nhất thế giới. Quốc gia này đã sụp đổ do yếu tố con người, khi ở chức vụ lãnh đạo cao cấp nhất xuất hiện một con người cơ hội, không phù hợp với nhiệm vụ của thời cuộc và cũng không thể giải quyết những thách thức đặt ra cho đất nước. Nếu không thì, Liên Xô bây giờ đã vượt xa nhiều nước. Cho nên, tôi mong Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Nguyễn Phú Trọng quan tâm hơn nữa, quan tâm ở mức cao nhất đến công tác cán bộ. Chính đội ngũ cán bộ hôm nay có thể hoặc dẫn dắt đất nước đi xa hơn, hoặc có thể gây cản trở sự phát triển của đất nước.

Việt Nam nhất định sẽ có vị trí xứng đáng trên thế giới

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào từ thực tiễn ở Nga hiện nay?

Chuyên gia Trofimchuk: Về vấn đề này, cần nhớ lại những năm cuối cùng Liên Xô tồn tại. Khi đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô không tạo ra được một tư tưởng và lý luận cơ bản nào, tức là trên thực tế, họ không trả lời được câu hỏi đất nước sẽ tiếp tục đi đâu. Có lẽ, vì lý do đó mà một đất nước rộng lớn cuối cùng đã phải chấm dứt sự tồn tại của mình. Vì vậy, việc Đảng Cộng sản Việt Nam không những dựa vào các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội, mà còn tiếp tục phát triển lý luận là rất đúng đắn. Nhà nước không chỉ tồn tại, mà còn phải biết gia nhập kỷ nguyên mới của công nghệ. Với những tiếp cận chắc chắn như vậy, Việt Nam nhất định sẽ có vị trí xứng đáng trên thế giới trong tương lai. Không những vậy, Việt Nam còn sẽ trở thành mô hình cho nhiều nước khác học theo.

Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục dẫn lối người Việt Nam, bởi tư tưởng của Người luôn luôn hợp thời đại. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có viết: “Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. “Kiên trì” ở đây được nói đến rất nhiều, có nghĩa là, người Việt Nam sẽ không phản lại kí ức lịch sử và sự kế thừa, cũng không phản lại chính mình.
Việt Nam đã rút ra được những bài học cần thiết

PV: Từ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự nghiệp đổi mới 35 năm qua, ông có so sánh gì với bài học rút ra từ thất bại của cải tổ ở Liên Xô trước đây?

Chuyên gia Trofimchuk: Tôi tin rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra được tất cả những bài học cần thiết và những bài học khó khăn nhất từ sự sụp đổ của Liên Xô. Đảng đã hiểu rõ một vấn đề cốt lõi nhất, đó là hệ tư tưởng không có lỗi gì trong việc này. Vì vậy, lãnh đạo Việt Nam không được lặp lại những sai lầm tương tự. 35 năm Việt Nam đổi mới – đó là một thời gian dài. Hơn nữa, thế giới đã trải qua 3 thập kỷ không còn sự tồn tại của Liên Xô. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã chứng minh được tính “độc nhất vô nhị” của mình, đã chấm dứt ý nghĩ cho rằng, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tồn tại được là nhờ có sự giúp đỡ của Liên Xô. Chính sách đổi mới từ năm 1986 đã mang lại kết quả hết sức tốt đẹp, khác với chính sách “cải tổ” của Mikhail Gorbachev dẫn tới sự sụp đổ của Nhà nước Xô viết.

Tôi xin nhắc lại rằng, Gorbachev ngay từ đầu đã không công bố nguyên tắc “cải tổ”. Ban đầu chỉ xuất hiện khái niệm “đẩy mạnh”, còn “cải tổ” và “công khai hóa” ông ta bắt đầu tuyên bố trong tình trạng xã hội hỗn loạn, tức là khi đó, nền kinh tế đất nước bắt đầu suy sụp. Tôi hy vọng rằng, phía Việt Nam sẽ nhận thức rõ để hiểu được những cơ chế thực sự làm Liên Xô tan rã. Nhưng đây lại là vấn đề khác. Giờ đây tôi mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công hơn nữa trên con đường bước vào kỷ nguyên mới của thế giới, dưới ngọn cờ kiên định xã hội chủ nghĩa. Tôi xin trích dẫn thêm một câu viết của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.

Việt Nam đang có một tương lai rộng mở và tuyệt vời

PV: Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những mặt trái của chủ nghĩa tư bản. Theo ông, việc tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam cần làm gì để thành công?

Chuyên gia Trofimchuk: Để thành công thì cần phải cảm nhận được một cách sâu sắc và chính xác thời cuộc hiện nay. Tôi xin nhắc lại tư tưởng nhanh nhạy của Lênin trong việc sử dụng công cụ, như chính sách kinh tế mới (NEP) chẳng hạn. Có nghĩa là, cần phải không những thường xuyên cảm nhận được thời điểm chính trị, mà còn lựa chọn quyết sách chính xác và phù hợp với từng thời điểm, bởi nếu không, kết quả sẽ nhận lại như chính sách “cải tổ” của Gorbachev. Những nhược điểm của chủ nghĩa tư bản mang sức mạnh hủy diệt rất lớn, nếu chúng được vận dụng sai vào cơ cấu của chủ nghĩa xã hội. Điều rất quan trọng ở đây là phải có sự tương quan chuẩn xác tối đa giữa các “thành phần” xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.

Để đạt được những thành công vững chắc hơn nữa, cần phải thông tin đúng và xác thực nhất đến người dân về những thiếu sót mà mỗi chúng ta có những cách nhìn khác nhau, nhưng bản chất thì chỉ có một. Sự phá hoại của những năm 1990, khi nước Nga đang còn ở thế giữa Liên Xô và Liên bang Nga, đã cho thấy điều này rõ ràng và nhẫn tâm nhất.

Việt Nam không được phép lặp lại những sai lầm mà Liên Xô đã trải qua. Việt Nam cũng đang đảm bảo để điều này không được phép xảy ra. Việt Nam đang có một tương lai rộng mở, hạnh phúc và vô cùng tuyệt vời!

PV: Vâng! Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

QUỐC KHÁNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/y-kien-tam-huyet-voi-dang/chuyen-gia-nga-tinh-chat-xa-hoi-chu-nghia-cho-phep-giai-quyet-moi-van-de-hien-nay-660286