Hướng đi nào cho phim lịch sử Việt Nam?
Theo nhà sản xuất phim Trinh Hoan, muốn điện ảnh phát triển, đặc biệt là sản phẩm văn hóa lịch sử thì phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước phải có định hướng, tạo điều kiện cho các nhà làm phim lịch sử, nếu không sẽ rất khó để phát triển những bộ phim thuộc thể loại này.
Tại hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” thuộc khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024, các khách mời đã thảo luận về những vấn đề đặt ra khi sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử, chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh; các giải pháp về chính sách để phát triển dòng phim có đề tài này và kinh nghiệm của điện ảnh các nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem các tác phẩm văn học như một “mảnh đất màu mỡ” để khai thác. Một thống kê cho thấy cứ năm tác phẩm điện ảnh thì có một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.
Nhà sản xuất phim Trinh Hoan - Giám đốc HK Film cho biết, làm một tác phẩm về lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học có rất nhiều cơ hội để tạo nên một cái sản phẩm có giá trị. Việt Nam có bề dày lịch sử với những nhân vật, sự kiện hấp dẫn, rất nhiều đề tài đặc biệt để khai thác nhằm tạo ra sản phẩm giá trị và mang lại sự quan tâm từ khán giả.
Đề cập đến khó khăn khi làm phim đề tài lịch sử, nhà làm phim Trinh Hoan - Giám đốc HK Film chia sẻ, phim lịch sử rất tốn kém về chi phí, từ bối cảnh, trang phục đến đạo cụ, trong khi đó không dễ thu hút như phim thương mại. Điều này khiến việc thuyết phục nhà đầu tư và khán giả gặp khó khăn.
"Khó khăn khi làm phim chính là kinh phí và sự quan tâm của công chúng. Họ vẫn xem như một bộ phim tài liệu lịch sử. Đó là điều khó vượt qua và cũng khó thuyết phục các nhà đầu tư, khó thuyết phục khán giả và thu hồi vốn, vay vốn cũng như tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng. Mỗi năm chúng ta làm 40 phim, mỗi phim kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, nghĩa là bỏ ra 1.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ lúc đầu tư đến khi thu lại vốn phải mất thời gian ít nhất là 1 năm. Đây là ngành quá nhiều rủi ro. Tiền thuế 5% hay 10% từ số lượng phim kể trên quá nhỏ, nhưng so với một đoàn làm phim đây là vấn đề quan trọng", ông Trinh Hoan cho hay.
Ông Trinh Hoan nêu ý kiến, muốn làm phim lịch sử phải có sự hỗ trợ của nhà nước, đầu tiên là vấn đề thuế bởi hiện nay không có chính sách nào để các nhà làm phim tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Kiến nghị về giải pháp nhằm phát triển phát triển phim đề tài lịch sử, theo ông Trinh Hoan, muốn điện ảnh phát triển, đặc biệt là sản phẩm văn hóa lịch sử thì phải suy nghĩ tới việc tiếp cận nguồn vốn. Nhà nước phải có định hướng, tạo điều kiện cho các nhà làm phim lịch sử, nếu không sẽ rất khó để phát triển những bộ phim đề tài lịch sử.
Chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong việc chuyển thể các sự kiện lịch sử và tác phẩm văn học lên điện ảnh Trung Quốc, ông Tiền Trọng Viễn, Giám đốc Sản xuất As One Production, cho biết: “Tại Trung Quốc, những bộ phim được chuyển thể từ các sự kiện lịch sử và tác phẩm văn học nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả. Một trong những thuận lợi của Trung Quốc khi chuyển thể tác phẩm thành phim là những tác phẩm văn học đó đã được khán giả yêu thích như Thủy hử, Tây du ký… Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức đối với chúng tôi khi sử dụng những tác phẩm đã quá quen thuộc, chúng tôi cần phải sáng tạo và làm mới tác phẩm để đưa tới khán giả”.
“Trong quá trình chế lựa chọn tác phẩm, phải có quy trình cụ thể và chuyên nghiệp. Ví dụ Trường An tam vạn lý có chủ đề về nhà thơ Lý Bạch, chúng tôi phải nghiên cứu rất nhiều để đưa ra tác phẩm hoàn chỉnh. Làn sóng tích cực là các bạn trẻ thi nhau đọc thơ nhà Đường sau khi xem phim. Vào năm ngoái, chúng tôi còn có một tác phẩm thành công khác là Phong Thần. Hai phim này thành công vì trên nền tảng văn học, các nhà làm phim và ekip có sự sáng tạo và thay đổi nhằm đưa tác phẩm đến gần với công chúng. Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp về kỹ thuật và nhân tài”, ông Tiền Trọng Viễn bày tỏ.