Hướng đến một lực lượng lao động nông thôn vững tay nghề

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giữ vai trò rất quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Công tác này còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, đa dạng ngành nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ để hướng đến một lực lượng lao động nông thôn vững tay nghề.

Thực hành trồng rau sạch cho lao động nông thôn ở Hướng Hóa -Ảnh: T.B

Lớp học kỹ thuật trồng cây dược liệu ở xã Gio An, huyện Gio Linh được mở tại địa phương. Lớp học ban đầu có 30 học viên, thời gian học kéo dài trong 10 tháng nhưng không phải học liên tục mà phân bố thời gian phù hợp, tạo điều kiện cho lao động nông thôn tham gia. Tuy nhiên chỉ sau một buổi học, số học viên trong lớp chỉ còn lại 10 học viên, sau đó nhờ vận động nên con số tăng lên 15 người.

Đây không phải là lớp học duy nhất gặp phải khó khăn khi học viên bỏ học. Việc vận động học viên đi học đã khó, duy trì được sĩ số cũng khó không kém. Ở xã Gio An, từ 2-3 năm mới mở được một lớp nhưng ít khi đông đủ học viên theo học từ đầu đến cuối. Trước khi mở lớp, xã đều giao cho các hội, đoàn thể tìm hiểu nguyện vọng, vận động người dân tham gia các lớp học nghề. Từ nguyện vọng của người dân mới mở lớp, tuy nhiên chỉ vài buổi học lớp đã vắng tanh. “Người dân không mặn mà với việc học nghề, một số người tính toán giữa việc đi học với tiền công lao động trong ngày nên không theo đến cùng. Vì vậy, thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động tham gia các lớp học nghề”, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Thế Hiếu cho biết.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 40.000 lao động nông thôn, phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75 - 80%, tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33%; đến năm 2030 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85 - 90%.

Không chỉ riêng Gio An mà đây là một trong những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương khác của tỉnh. Trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh Quảng Trị có trên 55.800 lượt lao động nông thôn được đào tạo nghề, đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 27,3% năm 2012 lên 50% năm 2022.

Một tín hiệu đáng mừng là sau đào tạo, có trên 70% lao động có việc làm, biết vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, qua đó góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo.

Hầu hết các cơ sở đào tạo trên địa bàn đều chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến mục tiêu hình thành đội ngũ lao động lành nghề, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động. Nhiều địa phương xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nên đã ban hành chương trình hành động với các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng công tác đào tạo nghề đối với lao động nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh một số thành tựu đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều bất cập như tỉ trọng lao động trong nông nghiệp, nông thôn còn lớn, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, cơ cấu và trình độ lao động đã đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhiều người lao động chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đào tạo nghề nên chưa chủ động đăng ký tham gia học nghề hoặc đăng ký nhưng không theo học đến cùng.

Một số ngành nghề đào tạo chưa phát huy được đặc thù, thế mạnh và mục tiêu phát triển sản xuất ở địa phương để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động... Có những nơi chỉ xây dựng dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, hoặc xây dựng kế hoạch, giải pháp dạy nghề chưa phù hợp với điều kiện thực tế, chưa gắn với quy hoạch phát triển KT - XH của địa phương.

Thời gian tới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục là một nội dung quan trọng trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là một trong những trọng tâm.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, trước hết cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển KT-XH trên địa bàn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực, chủ động tham gia học nghề.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều mô hình hay và gương điển hình về việc áp dụng thành công nghề được học. Vì thế, trong công tác tuyên truyền, cần chú trọng nhân rộng các mô hình này đến với nhiều người lao động khác để lan tỏa tinh thần ham học hỏi và động viên, khuyến khích người khác làm theo.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tư vấn cho người lao động nông thôn, phân luồng đối tượng, tuổi đời, trình độ học vấn trong việc lựa chọn nghề học và có điều kiện làm nghề sau khi học. Tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, tỉnh cần khuyến khích huy động thêm nguồn lực kinh phí của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi triển khai các lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp.

Thủy Ba

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/huong-den-mot-luc-luong-lao-dong-nong-thon-vung-tay-nghe/181097.htm