Hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng-quân sự, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024 của ngành Công Thương

Bộ Công Thương vừa ban hành Hướng dẫn số 905/HD-BCT về thực hiện công tác quốc phòng-quân sự, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024 của ngành Công Thương.

Tổ chức quán triệt, triển khai công tác quốc phòng

Quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự: Kết luận số 41-KL/TW ngày 31/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 1/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Luật Dân quân tự vệ năm 2019; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật Quốc phòng; Luật Phòng thủ dân sự; Pháp lệnh về Động viên công nghiệp; Nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành, trung ương, địa phương; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng; Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/2/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ Tổ quốc mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Ban hành Nghị quyết, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng-quân sự, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024 của đơn vị.

Công tác quốc phòng-quân sự, giáo dục quốc phòng và an ninh

Tổ chức xây dựng, hoạt động và huấn luyện của lực lượng tự vệ: Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các đơn vị rà soát kiện toàn Ban CHQS, kiện toàn lực lượng tự vệ; ban hành Quy chế hoạt động của Ban CHQS; xây dựng Quy chế phối họp với công an và các lực lượng khác trong bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội theo Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện tự vệ; bổ sung nội dung huấn luyện tự vệ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Nội dung huấn luyện quân sự cần sát với đặc điểm nhiệm vụ, phương án chống gây rối, bạo loạn để bảo vệ đơn vị, bảo vệ địa bàn nơi đặt trụ sở.

Duy trì lực lượng tự vệ thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Chỉ đạo lực lượng tự vệ hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội và tham gia phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống cháy rừng, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; xử trí kịp thời các tình huống có thể xảy ra tại cơ sở.

Thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; phối hợp tổ chức sắp xếp, biên chế quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật vào các đơn vị Dự bị động viên theo chỉ tiêu được giao.

Đối với đơn vị được tổ chức mới trên cơ sở sáp nhập, Lãnh đạo đơn vị phối hợp với cơ quan quân sự địa phương nhanh chóng kiện toàn lực lượng tự vệ và Ban CHQS để đảm bảo công tác quốc phòng, quân sự và an ninh trật tự.

Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; tổ chức quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các đơn vị chủ động phối hợp với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh địa phương rà soát và tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo đúng quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, cử đúng và đủ cán bộ đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh tại các Học viện, trường quân sự và tự tổ chức bồi dưỡng theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Duy trì, nâng cao hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN). Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thực hiện chế độ báo cáo công tác GDQPAN theo quy định.

Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ: Tăng cường sự chỉ đạo và phải thực sự chú trọng xem công tác quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội phải đi đôi với đầu tư tăng cường tiềm lực cho công tác quốc phòng, quân sự tại địa phương.

Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, cán bộ làm công tác quốc phòng và an ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo cương vị, chức trách nhiệm vụ được giao. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch động viên công nghiệp theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện động viên quốc phòng; Kế hoặc dự trữ vật tư, trang thiết bị cho xử lý tình huống.

Các đơn vị phối họp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, các cơ quan có liên quan và cơ quan quân sự địa phương các cấp kịp thời nắm bắt, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước để xây dựng và hoàn thiện Hệ thống văn kiện khối chính quyền trong tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố theo quy định; bổ sung, hoàn chỉnh kệ hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng Dự bị động viên; tham gia diễn tập KVPT, hội thao; chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất và phương tiện cần thiết cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng phương án di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp khi địa phương chuyển vào các trạng thái quốc phòng.

Nhiệm vụ Phòng thủ dân sự: Tổ chức phổ biến quán triệt, giáo dục, tuyên truyền những nội dung cơ bản của: Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 1/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Luật Phòng thủ dân sự.

Phối họp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN tại địa phương trong công tác phòng chống và ứng phó thiên tai, kịp thời phản ánh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch PCTT&TKCN phù hợp với đặc thù hoạt động của từng đơn vị và các loại hình thiên tai có thể xảy ra trong năm. Chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các đơn vị, các địa phương để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai theo phương châm chỉ đạo “4 tại chỗ”. Lồng ghép nội dung PCTT vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kết cấu hạ tầng của các địa phương.

Quản lý nhà nước về quốc phòng

Thực hiện Nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành, trung ương, địa phương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện công tác quốc phòng, quân sự; Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho Văn phòng Bộ Công Thương, Ban Chỉ huy quân sự Bộ Công Thương làm đầu mối theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu trong hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức kiểm tra các đơn vị trong ngành Công Thương trong việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự và tổng họp báo cáo Bộ theo quy định.

Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thường xuyên, đột xuất; phối hợp kịp thời với cơ quan ngành dọc cấp trên và quân sự địa phương trong công tác quốc phòng, quân sự. Các đơn vị định kỳ gửi báo cáo năm về tình hình thực hiện công tác quốc phòng, quân sự trước ngày 30/10/2024 về Bộ Công Thương qua Ban Chỉ huy quân sự Bộ Công Thương.

Công tác kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Trong năm 2024, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra công tác quốc phòng, quân sự và khảo sát thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch Phòng thủ dân sự tại một số đơn vị.

Kiểm tra công tác quốc phòng, quân sự một số đơn vị ngành Công Thương

Các đơn vị: Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy quân sự Bộ; Cục Kỹ thuật và An toàn công nghiệp; Vụ Thị trường trong nước; Vụ Dầu khí và Than; Tổng Cục QLTT; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết Điện lực; Cục Công nghiệp; Cục Hóa chất cùng phối hợp tiến hành kiểm tra, khảo sát các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam; Dầu khí Việt Nam; Hóa chất Việt Nam; Xăng dầu Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch Phòng thủ dân sự.

Về công tác tổ chức thực hiện Bộ Công Thương giao, các đơn vị căn cứ hướng dẫn này để xây dựng kế hoạch công tác quốc phòng, quân sự năm 2024 phù hợp với đặc thù của đơn vị. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phát hiện, xử lý những sai sót; kiến nghị, đề xuất những vướng mắc, khó khăn để kịp thời giải quyết.

Các Tập đoàn, Tổng công ty: Kịp thời kiện toàn, bổ sung hoàn thiện quy chế, nâng cao hiệu quả hoạt động Ban CHQS; nắm chắc tình hình hoạt động của các đơn vị trực thuộc trong công tác quốc phòng và an ninh; Triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị có thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp, triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản hướng dẫn. Các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ, mô hình tổ chức nghiêm túc triển khai thực hiện Hướng dẫn và có báo cáo về Bộ Công Thương theo quy định.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huong-dan-thuc-hien-cong-tac-quoc-phong-quan-su-giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-nam-2024-cua-nganh-cong-thuong-303526.html