Hùng Sơn (Phú Thọ) sẵn sàng cho Lễ hội rước Chúa gái

Lễ hội rước Chúa gái của hai làng Vi, Trẹo ở thị trấn Hùng Sơn, tỉnh Phú Thọ xuất xứ từ hội làng, gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Lễ hội tái hiện sự tích Tản Viên Sơn Thánh đón Ngọc Hoa về núi Tản, do làng Vi, làng Trẹo cùng tổ chức trong hai ngày mùng 7, 8 tháng Giêng.

Để chuẩn bị tốt cho lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, UBND thị trấn Hùng Sơn đã lên kế hoạch từ rất sớm, phân công cho từng người cụ thể đảm nhiệm các công việc được chỉ định. Cùng với đó, Hùng Sơn đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân về ý nghĩa của lễ hội để tất cả người dân trong thị trấn hiểu rõ và sâu sắc để cùng chính quyền tổ chức lễ hội một cách mỹ mãn nhất.

Ông Nguyễn Chiến Thắng- chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn chia sẻ: "Để chuẩn bị cho việc Đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể và việc tổ chức lễ hội rước chúa gái thành công, UBND thị trấn đã thành lập Ban tổ chức và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng tiểu ban. Các tiểu ban phối hợp chặt chẽ với ban quản lý di tích Đình Cả, làng Vi, làng Trẹo trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch. Phân công công an thị trấn đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, cắt cử lực lượng bảo vệ cơ sở vật chất tại các điểm diễn ra lễ hội".

Ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn tỉnh Phú Thọ

"Làng Vi, làng Trẹo tổ chức tuyển chọn lực lượng tham gia thực hành lễ hội theo truyền thống, năm nay giao làng Vi tuyển chọn chúa gái. Việc tuyển chọn chúa gái rất quan trọng nên công việc này được chúng tôi giám sát chặt sẽ, để chọn ra chúa gái đủ điều kiện và tiêu chuẩn tham gia lễ hội", ông Thắng cho biết thêm.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày hội Rước chúa gái, nhân dân trong làng ai cũng hào hứng và hồi hộp đợi đến ngày được tham gia lễ hội.

Chị Phan Thanh Tâm, người dân làng Vi chia sẻ: "Năm nay tôi thấy ai ai trong làng cũng rất vui, vui hơn năm trước vì lễ hội rước chúa gái đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Đợi đến ngày mùng 7 và 8 tới đây, cả thị trấn chúng tôi được hòa chung không khí phấn khởi để tham gia lễ hội. Tôi mong rằng lễ hội sẽ lan tỏa rộng hơn, nhiều người biết đến hơn để lễ hội không chỉ tổ chức cho những người dân trong thị trấn Hùng Sơn mà lễ hội sẽ được cả nước biết đến".

Lễ hội rước Chúa Gái tái hiện lại sự tích Tản Viên Sơn Thánh đón Ngọc Hoa về núi Tản hay còn được gọi là tích “Tản Viên đón vợ”, do làng Vi và làng Trẹo cùng tổ chức trong hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng.

Cũng giống như rất nhiều lễ hội truyền thống khác, Lễ hội rước Chúa Gái của hai làng Vi, Trẹo xưa có xuất xứ từ hội làng, gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Lễ hội rước Chúa gái tái hiện sự tích Tản Viên Sơn Thánh đón Ngọc Hoa về núi Tản, hay còn được gọi là tích “Tản Viên đón vợ”, do làng Vi và làng Trẹo cùng tổ chức trong hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng, cơ bản bảo lưu các yếu tố truyền thống về thời gian, lễ vật, nghi lễ, tập tục, diễn xướng dân gian.

Thị trấn Hùng Sơn vốn là vùng đất cổ thuộc kinh đô Văn Lang dưới thời Hùng Vương dựng nước. Vùng đất đầy ắp những truyền thuyết, huyền tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Hai làng Vi và làng Trẹo của thị trấn Hùng Sơn có tên nôm là Kẻ Vi và Kẻ Trẹo đã được các triều đại phong kiến giao cho làm trưởng tạo lệ trong các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở vùng Nghĩa Lĩnh. Tuy là hai làng khác nhau nhưng lại cùng chung đình, chung đám và chung cả hội hè.

Hai làng Vi và làng Trẹo của thị trấn Hùng Sơn có tên nôm là Kẻ Vi và Kẻ Trẹo đã được các triều đại phong kiến giao cho làm trưởng tạo lệ trong các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở vùng Nghĩa Lĩnh.

Các lễ hội, truyền thuyết, địa danh ở đây đều liên quan chặt chẽ đến thời đại các Vua Hùng và vị thần bất tử Tản Viên Sơn Thánh. Chính giá trị tâm linh đó là cơ sở ra đời của các giá trị văn hóa phi vật thể khác đầy hấp dẫn, đầy bản sắc nguồn cội, trong đó có Lễ hội rước Chúa gái đặc sắc.

Dân gian truyền rằng, cách đây đã hàng nghìn năm, Lễ hội rước Chúa gái (Lễ hội làng He) liền kề chân dãy núi Hy Cương nổi lên như một hội làng danh tiếng của vùng đất bán sơn địa linh thiêng. Không phải ngẫu nhiên, mà khi so sánh sự hấp dẫn và náo nhiệt của các hội làng kéo dọc dài quanh đồng đất do dòng sông Lô, sông Thao, sông Đà tạo nên, người dân còn truyền mãi câu ca:

“Sơn Tây vui nhất chùa Thầy

Vui thì vui vậy chẳng tầy hội He”.

Trải qua nhiều năm, đất nước thái bình, dân cư thịnh vượng, sinh sôi nảy nở, làng He được tách ra thành 3 làng: Làng Cả, làng Trẹo, làng Vi. Dưới thời phong kiến, khi nhà nước có chủ trương xây lập khu thờ tự các vua Hùng tại đất Nghĩa Lĩnh, làng Cả mang danh là Cổ Tích, đứng ra lập đền Thượng và xây Lăng, Chùa; làng Trẹo đứng ra xây lập đền Trung và làng Vi được phân công đứng ra lập đền Hạ cùng đền Giếng.

Từ đấy về sau, chỉ có 3 làng này mới được cắt cử 3 người hàng năm lên Nghĩa Lĩnh làm thủ nhang cho 3 đền thờ vua Hùng, đồng thời 2 làng Trẹo - Vi luôn luôn cùng nhau tổ chức hội làng, làm lễ hội tất niên đón vua Hùng về ăn Tết và Lễ rước Chúa Gái vào những ngày cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng.

Cũng giống như rất nhiều lễ hội truyền thống khác, Lễ hội rước Chúa Gái của hai làng Vi, Trẹo xưa có xuất xứ từ hội làng, gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước.

Lễ hội rước Chúa gái nhằm diễn lại tích Tản Viên Sơn Thánh đến núi Hùng rước công chúa Ngọc Hoa về núi Tản. Trước đây, vào những năm được mùa, lễ hội được tổ chức to hơn, xen vào đó còn có nhiều các trò chơi dân gian như: Chọi gà, đấu vật, kéo co, hoặc mời các phường Xoan, hát Ghẹo, hát nhà tơ đến trình diễn cho dân làng xem.

Việc chuẩn bị cũng như diễn trình Lễ hội rước Chúa gái xưa và nay cũng có những thay đổi, do ảnh hưởng của cơ cấu tổ chức làng xóm, thành phần tham gia lễ hội cũng như đời sống kinh tế - xã hội, tâm linh tín ngưỡng của mỗi thời kỳ.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hung-son-phu-tho-san-sang-cho-le-hoi-ruoc-chua-gai-post284287.html