HTX tìm sức vươn với sản xuất 'thuận thiên'
Giữa bối cảnh hội nhập, nhiều HTX đang theo đuổi mô hình sản xuất thuận thiên (thuận theo tự nhiên), không sử dụng hoặc hạn chế tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, mang lại lợi ích về thu nhập và sức khỏe cho thành viên.
Thời gian qua, với hiệu quả đã được khẳng định trong thực tế, mô hình sản xuất lúa tôm thích ứng với biến đổi khí hậu trên nền ứng dụng công nghệ đang được nhân rộng trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thành công của mô hình này có dấu ấn đậm nét của các HTX.
“Sống khỏe” nhờ sản xuất sạch
Kể từ năm 2018 đến nay, thu nhập của gia đình ông Phan Văn Triệu, một trong số 113 thành viên của HTX lúa - tôm Thạnh Phú (xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, Bến Tre), đã tăng gấp 2 - 3 lần so với trước nhờ sản xuất theo mô hình lúa tôm, bất chấp việc diện tích canh tác không đổi.
"Với sự đồng hành của HTX, tôi chuyển từ độc canh lúa sang luân canh lúa tôm. Hàng năm, từ tháng 7 đến tháng 11, tôi dành ra khoảng 7 công để sạ lúa, giống Đài thơm 8. Sau khi thu hoạch lúa, tôi tiếp tục xả nước, xử lý cá rồi thả tôm, cua. Việc xoay vòng liên tục giúp thu nhập tăng lên", ông Triệu cho biết.
Ở cùng địa phương, ông Phan Văn Chí cho biết đang liên kết với HTX lúa - tôm Thạnh Phú trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm lúa thân thiện môi trường, giá bán cao hơn 15-30% so với giá thị trường, chưa bao giờ cần “giải cứu”.
Theo ông Chí, để “làm nông nhàn tênh” như hiện tại, ông được HTX hướng dẫn canh tác lúa tôm theo mô hình thuận thiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất độc hại. Cứ mưa xuống thì sạ lúa rồi cho nước vào để nuôi tôm càng xanh, cua...
“Nhờ thức ăn từ ruộng lúa nên tôm, cua lớn nhanh. Cây lúa không sử dụng thuốc hóa học nên bảo đảm sản phẩm lúa sạch. Sau khi cắt lúa tiếp tục cho nước vào để nuôi thêm vụ tôm sú và xoay vòng tới khi mưa xuống sẽ tiếp tục sản xuất lúa”, ông Chí cho hay.
Không chỉ ở phía Nam, mô hình canh tác thân thiện môi trường cũng đang được các HTX triển khai rộng rãi ở ngoài Bắc. Điển hình như tại xã Yên Phụ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), các HTX đang hoạt động rất hiệu quả để mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Yên Phụ là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, với tổng diện tích đất canh tác đạt trên 300 ha. Nếp cái hoa vàng là một trong những thương hiệu nông sản nổi tiếng nhất của xã, hiện được chế biến thành các sản phẩm mang thương hiệu riêng như bánh đa nem, rượu nếp cái hoa vàng…
Để nâng cao giá trị của giống lúa truyền thống, trong gần 10 năm trở lại đây, người dân Yên Phụ trồng lúa nếp cái hoa vàng theo mô hình VietGAP nhằm tăng năng suất, chất lượng gạo và đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái.
Trong đó, HTX nông nghiệp Đức Lân đang là đơn vị điển hình, đạt hiệu quả cao trong liên kết canh tác lúa trên địa bàn xã Yên Phụ. HTX đang đảm bảo tiêu thụ cho hơn 100 hộ thành viên trong vùng sản xuất VietGAP, và gần 400 hộ liên kết. Sau nhiều năm nỗ lực, hầu hết các thành viên HTX đến nay đã nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng thuần thục quy trình phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp (IPM).
Đi tìm “chìa khóa thành công”
Đang có được những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, để đưa nông dân vào sản xuất lớn, thân thiện môi trường, tạo nên một cuộc cách mạng toàn diện về tư duy sản xuất nông nghiệp, HTX cần có thêm nhiều giải pháp để nâng cao nội lực, đồng thời cũng cần nhiều nguồn lực hỗ trợ hơn.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp liên kết, ông Trương Thế Quốc, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Trương Việt, cho rằng yếu tố quan trọng nhất để HTX làm nông nghiệp sạch, an toàn chính là tính minh bạch.
Đơn cử như khi hợp tác cùng HTX Mỹ Lộc (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) để trồng lúa, doanh nghiệp này đã tiến hành minh bạch đầu vào, từ việc sử dụng phân bón sinh học thế nào, liều lượng bao nhiêu, cách ly ra sao, đến việc thu hoạch, vận chuyển, bảo quản...
Trong liên kết giữa HTX Mỹ Lộc và doanh nghiệp, phía đối tác bao tiêu là Co.op Mart cũng liên tục cử kỹ thuật theo sát toàn bộ quy trình sản xuất, chỉ số an toàn sau khi thu hoạch. Vì vậy, dù sản lượng giảm so với sản xuất thông thường, nhưng chất lượng cao, giá lúa được bao tiêu với giá 7.200-8.000 đồng/kg.
“Nếu mình làm đúng, làm bài bản, hiệu quả kinh tế không thấp hơn, thậm chí cao hơn nhiều so với cách làm phổ biến hiện nay. Quan trọng là HTX và nông dân phải minh bạch đầu vào, đầu ra và tìm được thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu thì chắc chắn thành công”, ông Quốc nhấn mạnh.
Bên cạnh tính minh bạch, các HTX cũng cần tăng cường khoa học – kỹ thuật trong sản xuất. Tại huyện An Biên (Kiên Giang) đang có 27 HTX hoạt động, ở một số mô hình trồng lúa hiện đại, nông dân chỉ cần thực hiện một vài thao tác trên điện thoại thông minh là có thể nắm rõ những thông số về độ mặn, độ pH, oxy...
Ông Danh Chu, một nông dân ở ấp Bào Láng, thành viên HTX nông nghiệp xã Nam Thái, cho biết sau nhiều năm “làm ẩu”, lợi nhuận chỉ vào khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/năm. Đến nay nhờ sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật Trường ĐH Cần Thơ trong việc quan trắc chỉ số mặn và các yếu tố môi trường khác, trong đó có kỹ thuật dùng ao vèo (nuôi tôm lớn lên một kích cỡ nhất định rồi thả ra ruộng lớn), lợi nhuận tăng lên hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Có thể thấy, mô hình sản xuất sạch, thuận tự nhiên là phù hợp và bền vững đối với tất cả các nền nông nghiệp trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với cách làm cũ, mô hình còn cho thấy tính ưu việt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.
Theo đó, bên cạnh nỗ lực của HTX, nông dân, để nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, hình thành các chuỗi giá trị, chắc chắn sẽ cần thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ từ cơ quan chức năng, địa phương. Sau những bước tiến về sản xuất, sẽ cần tập trung phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến sau thu hoạch.