Hột vịt dữa: Ăn một lần dễ nghiện món lạ miệng của phương Nam
Quả trứng vịt người Nam gọi là hột vịt và quả trứng vịt bị vữa được gọi là hột vịt dữa. Đơn giản là âm 'v' người bản địa đọc thành âm 'd' nên cách gọi theo tiếng địa phương này cũng khá là dễ thương. Hột vịt dữa là quả trứng vịt sắp bị ung. Có người biết ăn thì dễ nghiện món này bởi vị ngậy, bùi kiểu gần giống kem sữa. Nhưng cũng có người ăn mãi vẫn không quen mùi vị hoi hoi của món ăn này.
Hột vịt dữa là quả trứng vịt khi lòng đỏ và lòng trắng bắt đầu chảy hòa tan vào nhau có màu vàng nhạt. Nếu để lâu một ngày thôi, trứng dễ chuyển sang xám đen, lúc ấy là trứng ung hẳn, không ăn được nữa. Hột vịt dữa thường được người bán hàng rong ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam luộc lên, đem theo xe đẩy đi bán cùng trứng gà nướng, hột vịt lộn, trứng cút lộn và bắp xào hàng đêm. Giá bình dân khoảng bình 6000 đồng/ quả.
Thú thực, tôi là người Bắc vào Nam cũng ngót 20 năm nay, nên vẫn hay ăn trứng gà nướng, còn món ăn lạ kia đã thấy nhiều lần mà không dám thử. Vì tôi luôn nghĩ quả trứng ung thì có gì ngon đâu?
Tuy nhiên, cửa hàng của tôi có cậu nhân viên cứ tầm xế chiều, khi nghe tiếng rao quen thuộc "Ai hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào đê!" là cậu chạy ra mua mấy hột vịt dữa. Cậu nhiệt tình mời tôi: "Chị ăn đi ngon lắm!". Tôi tò mò: "Sao em hay ăn món trứng ung này vậy?", "Ngon mà! Ăn béo béo, bùi bùi... mà em thấy bảo ăn chữa bệnh đau đầu tốt lắm chị, chị cứ ăn một lần rồi lại nghiện như em thôi".
Vừa nói, tay cậu bóc trứng nhanh thoăn thắt, đầu quả trứng có vết đánh dấu được bóc ra một mảng nhỏ vừa đủ cho cái thìa nhỏ bằng nhựa len vào. Ban đầu cậu húp nước trong quả trứng ngầy ngậy, sau lộ màu vàng nhạt của lòng trứng mềm như bánh flan. Cậu em rắc thêm chút muối tiêu ớt, rồi vắt vài giọt chanh nhỏ và một chút rau răm ăn kèm. Nhìn cậu ấy ăn ngon lành mà tôi thèm lắm. Thế nhưng, tôi vẫn chưa lần nào dám nếm thử món ăn này. Dù ngày nào cũng vậy, cứ tầm 3h chiều và 6h tối, lại có tiếng lảnh lót các loại trứng đi qua cửa hàng.
Vậy mà hôm nay, cô cháu ở ngoài Bắc vào chơi. Lại có tiếng rao bán món hột vịt dữa đi qua. Cô cháu gái đòi ăn thử món lạ ở Sài Thành cho biết. Tôi mua liền vài quả. Con bé ăn khen ngon và dúi ngay 1 quả vào tay tôi: "Cô thử đi, ngon quá. Ngoài Bắc mình không có món này, chứ không là con dễ nghiện lắm". Vậy là tôi cũng gật đầu nếm thử 1 quả. Tôi cảm nhận nó vừa giống như váng sữa, vừa giống vị của bánh flan, lại cũng giống vị của kem trứng nữa.
Tôi ăn xong thấy vị của hột vịt dữa ngầy ngậy, mềm dẻo, chứ không bứ cổ và khô như trứng luộc. Khi ăn với gia vị và rau kèm thì không thấy mùi lạ của món ăn này xộc lên mũi chút nào, vậy mà lúc ăn xong, thử đưa tay cầm trứng lên ngửi, tôi vẫn thấy mùi hoi hoi của trứng ung.
Nhìn vẻ nhăn mặt của tôi khi ăn xong hột vịt dữa, bác bán trứng bật cười giải thích: Hột vịt dữa phải lọc từ hàng trăm quả trứng ấp dở, mới được hơn chục quả đem đi bán. Nếu để lâu thêm dù chỉ 1 ngày, sẽ thành trứng ung, tốt nhất nên dùng để ném vào kẻ nào ta thấy ghét chứ buôn bán gì nữa.
Bác bán hột vịt dữa nói giọng Bắc, bác bảo là người Hà Tây (cũ) cũng bôn ba ở Sài Thành được 6 năm nay. Bác kể, một ngày bác đi từ quận 12 xuyên sang quận 10, bán khi nào hết xe hàng trứng thì về. Hôm sớm thì tầm 10h đêm, còn hôm ế khách lên đến 2h sáng bác mới về được đến nhà.
Bác bán trứng kể, có hôm nửa đêm có đám thanh niên mua quỵt tiền trứng các loại rồi rồ ga phóng mất dạng. Có hôm bác bị mấy anh người nước ngoài đi xe hơi giả vờ đổi tiền, rồi đánh tráo lấy mất 500 nghìn đồng của bác. Vậy là cả ngày hôm ấy coi như bác làm không công.
Bác tranh thủ tâm sự khi gặp đồng hương ngoài Bắc như tôi ăn hàng cho đỡ nhớ quê hương. Nói rồi bác lại cười tươi chào mời và luôn tay bán hàng cho khách. Bác bảo: Những khách ăn hột vịt dữa đều là người rất sành ăn. Đã ăn rồi thì dễ nghiện, lại hỏi ăn nữa. Hột vịt dữa dễ ăn hơn các loại trứng khác đang có bán trong rổ trứng của bác. Nói rồi, bác lại gò lưng đạp chiếc xe chở đầy trứng các loại cùng tiếng rao quen thuộc: "Ai hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào đê!" vang lên trong ánh chiều chạng vạng.