Hộp đen của chuyến bay MU5735 gặp nạn sẽ được phân tích thế nào, bao giờ mới có kết luận?
Một hộp đen của chuyến bay MU5735 gặp nạn tại Trung Quốc đã được tìm thấy, vậy là sẽ có thêm các dữ liệu được phân tích và nguyên nhân tai nạn có thể sẽ được xác định. Vậy các nhà điều tra sẽ làm gì với hộp đen này và khi nào thì có thông tin rõ ràng?
Một trong hai chiếc hộp đen (gọi là hộp đen nhưng nó màu cam, rất dễ nhìn thấy) của chuyến bay MU5735 (China Eastern Airlines) mới gặp nạn đã được tìm thấy vào chiều ngày hôm qua. Qua nhận định ban đầu thì người ta cho rằng thiết bị này ghi lại âm thanh trong buồng lái. Mặc dù bên ngoài của nó bị hư hại nhưng bộ phận ghi âm có vẻ vẫn ở tình trạng khá tốt.
Việc tìm thấy một hộp đen đem lại hy vọng rằng những chi tiết cụ thể, những nguyên nhân gây nên vụ tai nạn kinh hoàng có thể sắp được làm sáng tỏ.
Vậy bây giờ, các nhà điều tra sẽ làm gì với chiếc hộp đen mới được tìm thấy của MU5735?
Trước hết, các kỹ thuật viên sẽ phải “bóc” vật liệu bảo vệ ra và lau sạch thiết bị - việc này phải được làm rất cẩn thận vì kỹ thuật viên hoàn toàn có thể chẳng may mà xóa luôn dữ liệu. Dữ liệu hoặc âm thanh trong hộp đen sau đó sẽ được tải về máy tính và sao lưu.
Nhưng đến lúc này thì những dữ liệu đó cũng chưa có ý nghĩa gì cả, mà chúng cần được giải mã. Đôi khi, đội ngũ điều tra sẽ dùng cách “phân tích phổ”, là một cách kiểm tra âm thanh cho phép các nhà khoa học “nhặt” ra được những tín hiệu báo động rất khó được nghe thấy, hoặc âm thanh thoảng qua ban đầu của một vụ nổ.
Tuy nhiên, chưa thể biết chắc chắn là trong hộp đen mới được tìm thấy của MU5735 có nhiều thông tin hay không, vì việc đó còn phụ thuộc vào loại hộp đen cụ thể - thông tin này chưa được công bố. Hiện mới chỉ có thông tin là hai hộp đen của MU5735 do công ty Honeywell sản xuất. Có những loại hộp đen của công ty này có thể ghi được 120 phút âm thanh. Nếu MU5735 có hộp đen như thế thì sẽ ghi âm được từ lúc máy bay cất cánh đến lúc gặp nạn.
Hộp đen mới được tìm thấy đã được gửi tới một học viện ở Bắc Kinh (Trung Quốc) để giải mã. Việc giải mã kéo dài thế nào thì còn tùy vào mức độ hư hại của hộp đen.
Những báo cáo ban đầu sẽ có thể được công bố sau khoảng một tháng, nhưng thường không có gì mấy. Việc điều tra kỹ sẽ phải mất một năm hoặc có khi là hàng năm. Chẳng hạn, khi chuyến bay 447 của Air France (Pháp) lao xuống đại dương vào năm 2009, khiến toàn bộ hơn 200 người trên máy bay thiệt mạng, thì bản báo cáo chính thức được công bố sau đó 3 năm. Hay với vụ việc chuyến bay MH370 của Malaysia mất tích năm 2014 thì báo cáo được công bố sau đó 4 năm, nhưng đến giờ vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Mất nhiều thì giờ như vậy là do việc điều tra các vụ tai nạn hàng không, nhất là tai nạn nghiêm trọng, đòi hỏi phải thu thập rất nhiều dữ liệu liên quan rồi phân tích, mô phỏng, xem xét…, rất khó khăn và phức tạp chứ không phải cứ tìm được hộp đen xong là sẽ có đủ thông tin ngay.
Thục Hân
Theo nhiều nguồn tin