Hơn 2.000 nhân viên Samsung biểu tình đòi mức lương công bằng khi DJ và các ca sĩ K-pop biểu diễn

Giữa tiếng hô vang và nhạc K-pop, hơn 2.000 nhân viên thuộc công đoàn của Samsung Electronics đã tập trung tại Seoul (thủ đô Hàn Quốc) hôm 24.5, tổ chức cuộc biểu tình hiếm hoi để yêu cầu gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc trả lương công bằng.

Trong hai năm qua, Công đoàn Samsung Electronics Quốc gia (NSEU) đã chứng kiến số thành viên tăng gấp 4 lần, lên khoảng 28.000 người, tương đương hơn 1/5 tổng lực lượng lao động của công ty, các quan chức công đoàn cho biết.

Sự gia tăng nhanh chóng số lượng thành viên NSEU diễn ra sau khi Samsung Electronics, tập đoàn lớn và quyền lực nhất Hàn Quốc, cam kết vào năm 2020 sẽ chấm dứt các hoạt động ngăn cản sự phát triển của tổ chức lao động.

Jay Y. Lee, Chủ tịch Samsung Electronics, vào thời điểm đó đã công khai xin lỗi về những vụ bê bối về chiến thuật phá hoại công đoàn và tuyên bố chấm dứt triết lý "không công đoàn".

Dữ liệu của chính phủ cho thấy số lượng thành viên công đoàn của người lao động ở Hàn Quốc không tăng trong hai thập kỷ qua và vẫn ở mức tương đối thấp so với một số nước OECD khác. Thế nhưng, nhiều nhân viên trẻ tuổi đang bị thuyết phục về lợi ích của việc thành lập công đoàn, các quan chức công đoàn cho biết.

OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) là tổ chức liên chính phủ với 38 quốc gia thành viên, được thành lập vào năm 1961 để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và thương mại toàn cầu.

Hét vang "tôn trọng người lao động", các kỹ sư và nhân viên văn phòng tham gia công đoàn Samsung Electronics được giải trí bằng nhạc điện tử do NewJeansNim (diễn viên hài kiêm DJ nổi tiếng ăn mặc như tu sĩ Phật giáo) biểu diễn. Các ca sĩ K-pop cũng biểu diễn thời điểm đó, khiến những nhân viên công đoàn Samsung Electronics ở độ tuổi 20 và 30 vỗ tay và nhảy múa. Cuộc biểu tình gần văn phòng Samsung Electronics ở khu Gangnam hào nhoáng của thủ đô Seoul đôi khi giống như một bữa tiệc đường phố.

Choi Young-wook, kỹ sư chip ở Samsung Electronics 27 tuổi đội chiếc mũ đen có logo của công đoàn, nói: “Các cuộc biểu tình của chúng tôi là phi bạo lực nhưng chúng tôi vẫn có thể thể hiện sức mạnh của mình”.

Các thành viên của NSEU cầm tấm bảng ghi "Tôn trọng người lao động" trước văn phòng của Samsung Electronics ở Seoul ngày 24.5 - Ảnh: Reuters

Các thành viên của NSEU cầm tấm bảng ghi "Tôn trọng người lao động" trước văn phòng của Samsung Electronics ở Seoul ngày 24.5 - Ảnh: Reuters

Các thành viên NSEU giơ tay khi xem buổi biểu diễn của DJ NewjeansNim trước văn phòng Samsung Electronics ở Seoul - Ảnh: Reuters

Các thành viên NSEU giơ tay khi xem buổi biểu diễn của DJ NewjeansNim trước văn phòng Samsung Electronics ở Seoul - Ảnh: Reuters

Ngày nghỉ phép và tiền thưởng

Cuộc biểu tình diễn ra khi chuỗi thành công của Samsung Electronics dường như đang chững lại ở một số lĩnh vực, gồm cả chip bán dẫn tiên tiến.

Tuần này, Samsung Electronics đã thay thế người đứng đầu bộ phận bán dẫn của mình và nói rằng cần có người mới ở vị trí lãnh đạo cao nhất để giải quyết "cuộc khủng hoảng" của công ty ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chip.

Samsung Electronics đã quyết định tăng lương trong năm nay thêm 5,1% và dù công đoàn không nhất thiết phản đối việc tăng lương như vậy nhưng họ muốn có thêm một ngày nghỉ phép hàng năm cũng như các khoản thưởng minh bạch dựa trên hiệu suất.

Các cuộc đàm phán giữa Samsung Electronics và công đoàn đã được nối lại vào ngày 21.5. Tuy nhiên, một số quan chức công đoàn nghi ngờ về cam kết từ công ty trong việc tham khảo ý kiến của họ.

Trong một tuyên bố với Reuters, Samsung Electronics cho biết các cuộc đàm phán cấp chuyên viên đã được nối lại và các cuộc đàm phán chính dự kiến diễn ra vào ngày 28.5.

“Chúng tôi sẽ chân thành tham gia vào các cuộc thảo luận với công đoàn”, Samsung Electronics tuyên bố.

Các quan chức công đoàn nói rằng những nhân viên trẻ tuổi ngày càng có nhận thức rằng công đoàn có thể giúp tạo ra một nơi làm việc công bằng hơn. Trong khi đó, thế hệ lớn tuổi hơn ở Samsung Electronics cảm thấy công đoàn có thể làm giảm năng suất làm việc.

Nhìn chung, tỷ lệ tham gia công đoàn của Hàn Quốc dao động quanh mức 10% kể từ năm 2004, theo dữ liệu từ Bộ Lao động nước này.

Son Woo-mok, Chủ tịch NSEU, người bắt đầu làm việc tại Samsung Electronics từ năm 2005, nói: “Ngày càng có nhiều người trong công ty nhận ra lý do tại sao họ cần có công đoàn, đó là để có tiếng nói, và chúng tôi ngày càng được củng cố bởi những người này mỗi ngày”.

Bất ngờ thay lãnh đạo bộ phận bán dẫn

Hôm 21.5, Samsung Electronics cho biết đã bổ nhiệm ông Young Hyun Jun vào vị trí Giám đốc bộ phận bán dẫn và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Như vậy, ông Young Hyun Jun được chuyển từ vị trí người đứng đầu đơn vị lập kế hoạch kinh doanh trong tương lai lên vị trí Giám đốc bộ phận bán dẫn của Samsung Electronics.

Ông Young Hyun Jun trước đây lãnh đạo bộ phận chip nhớ của Samsung Electronics sau khi nghiên cứu phát triển chip nhớ flash và DRAM.

Bước đi trên của Samsung Electronics có thể là nhằm mục đích bắt kịp thị trường chip cao cấp dùng trong trí tuệ nhân tạo (AI), cụ thể là chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) – lĩnh vực mà công ty đã tụt lại phía sau các đối thủ như SK Hynix, các nhà phân tích nhận định.

“Đây là biện pháp đi trước nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong tương lai bằng cách đổi mới bầu không khí bên trong và bên ngoài”, Samsung Electronics thông báo.

Samsung Electronics cho biết ông Young Hyun Jun, cựu Giám đốc điều hành bộ phận pin Samsung SDI và cựu Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh chip nhớ của Samsung Electronics, sẽ giúp tập đoàn này vượt qua "cuộc khủng hoảng chip" bằng bí quyết quản lý của mình.

Các nhà phân tích cho rằng việc Samsung Electronics thay thế một vị trí cấp cao như vậy vào giữa năm là điều bất thường, do hầu hết sự thay đổi nhân sự tại công ty này thường diễn ra đầu năm.

Ông Kye Hyun Kyung, Giám đốc bộ phận bán dẫn trước đó, sẽ kế nhiệm Young Hyun Jun làm người đứng đầu đơn vị kinh doanh trong tương lai, đồng thời kiêm vai trò Giám đốc Viện Công nghệ Tiên tiến Samsung.

Nhà phân tích Lee Min-hee tại hãng BNK Investment & Securities nhận xét: “Bộ phận chip của Samsung đã tụt hậu về khả năng cạnh tranh trên nhiều mặt trận. Nó cũng bỏ lỡ rất nhiều xu hướng phát triển AI toàn cầu”.

SK Hynix (Hàn Quốc) đang dẫn đầu trong lĩnh vực HBM, loại chip đã chứng kiến mức tăng trưởng bùng nổ nhờ được sử dụng để huấn luyện các mô hình AI. Công ty này cũng đang là nhà cung cấp chip HBM3 duy nhất cho Nvidia, hãng chip AI lớn nhất thế giới. Nvidia đã xem xét việc hợp tác với Samsung Electronics. Thế nhưng theo Reuters, Samsung Electronics đang gặp khó khăn khi các chip HBM mới nhất của họ chưa vượt qua được bài kiểm tra của Nvidia để sử dụng trong chip AI do vấn đề nhiệt độ và tiêu thụ điện năng. Ba nguồn tin của Reuters cho biết sự cố này ảnh hưởng đến cả chip HBM3 thế hệ thứ 4 (hiện là chuẩn HBM được sử dụng nhiều nhất trong các bộ xử lý đồ họa dành cho AI) và cả chip HBM3E thế hệ thứ 5 mà Samsung Electronics cùng các đối thủ của họ đang chuẩn bị đưa ra thị trường năm nay.

Samsung Electronics cho biết trong một tuyên bố gửi Reuters rằng HBM là một sản phẩm bộ nhớ được tùy chỉnh, yêu cầu "các quy trình tối ưu hóa song song với nhu cầu của khách hàng", đồng thời nói họ đang trong quá trình tối ưu hóa các sản phẩm của mình thông qua sự hợp tác chặt chẽ với khách hàng. Samsung Electronics từ chối bình luận về các khách hàng cụ thể.

Trong các tuyên bố riêng biệt sau khi Reuters đăng tải thông tin trên, Samsung Electronics cho biết "những tuyên bố về việc không vượt qua bài kiểm tra do nhiệt độ và tiêu thụ điện năng là không đúng sự thật", khẳng định việc kiểm tra "đang diễn ra suôn sẻ và theo kế hoạch".

Nvidia từ chối bình luận.

HBM là loại bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) tiêu chuẩn được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2013, trong đó các chip được xếp chồng theo chiều dọc để tiết kiệm diện tích và giảm tiêu thụ điện năng, giúp xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ do các ứng dụng AI phức tạp tạo ra. Khi nhu cầu về bộ xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến tăng vọt trong bối cảnh bùng nổ AI tạo sinh thì nhu cầu về HBM cũng vậy.

Việc đáp ứng được yêu cầu của Nvidia, công ty Mỹ chiếm khoảng 80% thị trường GPU toàn cầu dành cho các ứng dụng AI, được coi là chìa khóa cho sự tăng trưởng trong tương lai của các nhà sản xuất HBM, cả về mặt uy tín lẫn động lực lợi nhuận.

“Chúng tôi dự báo việc cạnh tranh liên quan đến bộ nhớ băng thông rộng sẽ diễn ra quyết liệt hơn vào năm 2025. SK Hynix hiện là nhà cung cấp độc quyền cho Nvidia về chip HBM3. Chúng tôi tin rằng công ty này đang vượt trên đối thủ Samsung một khoảng cách nhất định”, Kazunori Ito, Giám đốc nghiên cứu tại hãng Morningstar, cho biết trong một báo cáo hồi đầu tháng này.

SK Hynix có kế hoạch sản xuất hàng loạt thế hệ chip nhớ băng thông cao mới nhất là HBM3E 12 lớp vào quý 3/2024. Samsung Electronics đặt mục tiêu thực hiện điều này trong quý 2/2024 và trở thành công ty đầu tiên trong ngành cung cấp các mẫu chip HBM mới nhất.

Hiện tại, Samsung Electronics, SK Hynix và Micron Technology (Mỹ) đang thống trị thị trường chip nhớ.

“Samsung đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về công nghệ. Chúng tôi hy vọng rằng cả ba công ty lớn này sẽ đều có thể cung cấp HBM3E cho Nvidia, qua đó thúc đẩy sự cạnh tranh về giá”, Kazunori Ito cho hay.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hon-2-000-nhan-vien-samsung-bieu-tinh-doi-muc-luong-cong-bang-khi-dj-va-cac-ca-si-k-pop-bieu-dien-217620.html