Hội nghị trực tuyến đôn đốc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
BHG - Sáng 12.8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về việc đôn đốc triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ban hành ngày 28.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, có lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành liên quan dự hội nghị.
Thực hiện Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trong đó, UBND cấp huyện đã tiếp nhận 56.351 hồ sơ của doanh nghiệp, với hơn 2,8 triệu lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ trên 1.883 tỷ đồng; đã thẩm định 29.399 hồ sơ, gần 2 triệu lao động, với kinh phí hơn 1.233 tỷ đồng; số hồ sơ đã được giải ngân là 16.436, với trên 1 triệu lao động và hơn 728 tỷ đồng. Một số địa phương có số lượng người lao động đông, giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, số lượng tiếp nhận, tiến độ phê duyệt, giải ngân thấp.
Tại tỉnh Hà Giang, hầu hết lao động làm việc trong các doanh nghiệp chủ yếu là người địa phương nên không phải thuê nhà. Mặc khác, do tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp mới hoạt động trở lại nên việc thu hút lao động vào làm việc còn hạn chế. Sở LĐTB&XH nhận được hồ sơ của huyện Vị Xuyên đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho 4 lao động tại Khu công nghiệp Bình Vàng, với tổng số tiền 6 triệu đồng và đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ nhằm chia sẻ, giúp người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động để có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút lao động trở lại làm việc sau đại dịch Covid-19. Đây là một trong những chính sách nhân văn, đảm bảo an sinh xã hội và được Chính phủ ưu tiên hàng đầu. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần nghiêm khắc xác định nguyên nhân chậm trễ và có giải pháp xử lý, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai chính sách. Đặc biệt, chú trọng công tác thông tin, tuyền truyền giúp doanh nghiệp, người lao động tiếp cận chính sách; cần rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bảo đảm kịp thời, khẩn trương, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả.