Hội nghị thượng đỉnh G20: Chờ đợi gì từ các cuộc gặp song phương?

Một trong những cuộc gặp được giới phân tích theo dõi sát sao nhất bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) (diễn ra từ ngày 28-29/6 tại thành phố Osaka, Nhật Bản) là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh hai nước đang rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại tốn kém, gây áp lực cho các thị trường và thiệt hại nền kinh tế thế giới.

Nhân viên an ninh tại địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka.

Cuộc gặp này được cho là mấu chốt để đưa các cuộc đàm phán song phương trở lại đúng hướng, từ đó làm giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Các cuộc đàm phán giữa hai nước nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp giải quyết mâu thuẫn thương mại đã bị đổ vỡ hồi tháng trước sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết về việc tiến hành thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh Fox Business Network trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump cho rằng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định ông vẫn chuẩn bị kịch bản sẽ áp mức thuế bổ sung đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nếu hai nước tiếp tục bất đồng về vấn đề thương mại, đồng nghĩa với áp thuế lượng hàng hóa nhập khẩu còn lại trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc. Ông cho biết thêm có thể cân nhắc áp mức thuế 10% thay cho mức đề xuất 25%.

Các nhà phân tích cũng trông chờ cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang bị phủ bóng đen xung quanh nhiều vấn đề trên toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Venezuela, tình hình tại Syria và Ukraine. Theo thông báo của Điện Kremlin, trong cuộc gặp dự kiến kéo dài 1 tiếng đồng hồ này, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan tới "sự ổn định chiến lược" và Ukraine. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về kiểm soát vũ khí (trong đó có Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới - New START), vấn đề Iran, Syria, Venezuela...

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin cũng sẽ tiến hành cuộc gặp với Thủ tướng Anh sắp mãn nhiệm Theresa May nhằm cải thiện mối quan hệ xuống dốc giữa hai nước này, nhất là sau khi London cáo buộc Moscow đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia ở thành phố Salisbury (Anh) hồi năm ngoái. Theo Điện Kremlin, hai bên sẽ làm rõ "những bước có thể nhằm bình thường hóa đối thoại chính trị giữa hai nước".

Dự kiến nhà lãnh đạo Nga cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan, Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman. Ngoài ra, Tổng thống Putin sẽ có cuộc gặp ba bên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Các nhà phân tích cũng cho rằng cuộc gặp song phương khó đoán nhất bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể sẽ là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã quyết tâm mua và sẽ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào tháng tới. Thương vụ này đã làm mất thể diện Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không chỉ vì S-400 không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO mà còn vì thương vụ này có thể làm suy yếu năng lực tàng hình của chiến đấu cơ F-35 và làm rò rỉ các dữ liệu nhạy cảm về chiến đấu cơ này cho Nga

Minh Châu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-g20-cho-doi-gi-tu-cac-cuoc-gap-song-phuong-107149.html