Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì. Chiều 13.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tham dự Hội nghị về phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Ủy viên Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phía MTTQ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
Cùng dự còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội; đại diện các ban, ngành liên quan và một số tổ chức của MTTQ.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 5 năm thực hiện Quy chế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có nhiều hoạt động phối hợp, triển khai các nội dung gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đạt được nhiều kết quả rất thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện Quy chế phối hợp, nhất là trong hoạt động tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội... đã có nhiều hoạt động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát, công tác dân nguyện và nhiều lĩnh vực công tác khác.
Đặc biệt, trong xây dựng pháp luật, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQViệt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp góp ý, phản biện xã hội đối với 47 dự án luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân, đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, trong đó, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 là 30 dự thảo luật, pháp lệnh.
Chỉ riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều, khoản. Với sự tham gia của cả hệ thống Mặt trận, đợt lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng khắp trên cả nước, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đoàn kết và đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Việc phối hợp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại mỗi kỳ họp Quốc hội có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, đề cao trách nhiệm của mỗi bên, góp phần phản ánh đầy đủ, toàn diện, khách quan, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến với Quốc hội, được đông đảo Nhân dân đồng tình, tin tưởng và đánh giá cao, là căn cứ, cơ sở tin cậy để đại biểu Quốc hội thực hiện chất vấn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử như việc đổi mới, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của Quốc hội còn chậm, nhiều nơi còn hình thức, chưa thực sự thu hút được đông đảo cử tri tham gia, chưa quan tâm nhiều đến hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề...
Việc phối hợp nghiên cứu, sửa đổi, ban hành văn bản quy định liên quan đến công tác tiếp xúc cử tri còn chưa được kịp thời, chậm so với Kế hoạch đề ra. Việc cử đại diện Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được đầy đủ. Thành phần tham gia các đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam chưa có đại diện của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Việc thực hiện chế độ gửi báo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri định kỳ trước và sau các kỳ họp của Quốc hội còn chậm, dẫn đến khó khăn trong công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tập hợp, tổng hợp, theo dõi thông tin, phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri còn gặp những khó khăn nhất định; nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được rà soát, tập hợp, tổng hợp, theo dõi, xử lý kỹ lưỡng, khoa học, có tính hệ thống; nhiều trường hợp đơn, thư cùng nội dung được gửi đồng thời tới nhiều cơ quan khác nhau, đến nhiều các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước dẫn đến chồng chéo và trùng lặp trong quá trình xử lý.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn những kết quả đạt được, chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là các nhóm giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong thời gian tới, xác định các trọng tâm phối hợp công tác giữa hai cơ quan trong năm 2024.