Hội LHPN huyện Thống Nhất: Điểm sáng trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Với mong muốn giúp hội viên phụ nữ tự tạo việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, khẳng định được vị thế của mình…, Hội LHPN H.Thống Nhất đã triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
* Kết nối, nâng cao năng lực khởi nghiệp của phụ nữ
Phó chủ tịch Hội LHPN H.Thống Nhất Phạm Thị Duyên chia sẻ, nhận thấy được tầm quan trọng của khởi nghiệp, phát triển kinh tế đối với phụ nữ, Hội LHPN huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện liên quan đến khởi nghiệp. Trong đó, có Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), về phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Bên cạnh đó, hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện còn tìm hiểu về các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ đã thành công để giới thiệu trong hội viên phụ nữ nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Hội LHPN H.Thống Nhất còn chủ động kết nối với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Cụ thể, Hội đã phối hợp với Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các nguyên tắc xây dựng sản phẩm OCOP, bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP…
Trong 5 năm trở lại đây, Hội LHPN H.Thống Nhất đã hỗ trợ, giúp đỡ 40 ý tưởng/dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp, trong đó có 19 ý tưởng/dự án đoạt giải cấp tỉnh; hỗ trợ xây dựng thành công 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Đặc biệt, tham gia các lớp bồi dưỡng, hội viên phụ nữ được hướng dẫn cách thức lựa chọn, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, thủ tục tham gia chương trình OCOP, hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Song song đó, Hội còn chủ động phối hợp với các đơn vị khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng và tiến hành mở lớp đào tạo nghề.
Bên cạnh việc khai thác các nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ thiện nguyện Thanh Bình hoa hồng cho tương lai, nguồn vốn Phụ nữ khuyết tật, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội thành lập các tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ hùn vốn nhằm huy động nguồn vốn trong hội viên để giúp đỡ những hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thiện Trần Thị Huyền Trang cho biết, trên địa bàn xã Xuân Thiện thành lập được 22 tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ phụ nữ hùn vốn với sự tham gia của 280 hội viên. Hàng năm, từ số tiền tiết kiệm này đã hỗ trợ trên 100 hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn đột xuất với mức vay dao động từ 2-20 triệu đồng. Điều đặc biệt là hội viên có thể tiếp cận nguồn vốn tiết kiệm một cách nhanh chóng để giải quyết kịp thời những khó khăn đột xuất trong gia đình cũng như quá trình sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm, các cấp hội phụ nữ của huyện cũng rà soát, vận động, hỗ trợ các hội viên phụ nữ có ý tưởng hoặc mô hình khởi nghiệp viết thành các dự án để tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp. Hội còn kết nối, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện tại các sự kiện của Hội LHPN tỉnh, huyện.
* Hội viên phụ nữ tích cực khởi nghiệp
Phó chủ tịch Hội LHPN H.Thống Nhất Phạm Thị Duyên cho biết, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, kết nối hỗ trợ khởi nghiệp, cộng với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó và sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, đề án, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp.
Cách đây 17 năm, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bà Vũ Thị Hằng (ở xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) đã cùng chồng khởi nghiệp với mô hình làm bánh phở tươi, bánh đa cua dốt, bánh đa cua khô, hủ tiếu dốt, hủ tiếu khô… từ gạo sạch để bán ra thị trường.
Theo chia sẻ của bà Hằng, thời gian mới làm, vợ chồng bà gặp nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường thời điểm đó chưa nhiều, các công đoạn hầu như làm thủ công (trừ công đoạn cắt). Sản lượng làm ra mỗi ngày vì thế cũng hạn chế.
Từ năm 2017 trở lại đây, được hội LHPN các cấp, ngành quan tâm cho tham gia các lớp tập huấn, bà được gặp nhiều chuyên gia, được nghe tư vấn… Thấy được sự cần thiết của việc hoàn thiện quy trình sản xuất, vợ chồng bà Hằng đã quyết định đầu tư dây chuyển sản xuất bao gồm: máy xay, máy trộn bột, máy cắt, máy sấy tạo thành một dây chuyền khép kín với công suất cao. Bà còn từng bước xây dựng các sản phẩm theo chuẩn OCOP. Năm 2020, cơ sở của vợ chồng bà đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao. Hiện các sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước tin dùng.
Từ cơ sở nhỏ làm chuối chiên bằng phương pháp thủ công bán lẻ ra thị trường, đến nay chị Trần Thị Thùy Dương (ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, H.Thống Nhất) đã phát triển thành cơ sở chuyên sản xuất các loại rau củ quả sấy khô, sấy dẻo… mang tên Hải Dương. Theo chia sẻ của chị Thùy Dương, chị khởi nghiệp với mô hình chuối chiên bởi nguyên liệu tại chỗ dồi dào, nhân công rẻ và nhất là góp phần giúp cho nông dân trồng chuối có được đầu ra ổn định. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy của chị cũng là suy nghĩ của nhiều người nên sản phẩm chuối chiên cũng gặp phải sự cạnh tranh. Để có thể đứng vững, chị đã tập trung vào chất lượng sản phẩm, phát triển thêm các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.