Hội LHPN các cấp: Bệ phóng cho sự đổi thay từ các hợp tác xã
Hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, tăng số lượng và chất lượng HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tăng số phụ nữ tham gia HTX là phương thức giúp phụ nữ vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển sản xuất, giúp tạo việc làm cho lao động nữ trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (thứ 2 từ trái sang), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bìa trái) tại Hội nghị khởi động Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030". Ảnh: PVH
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa tư tưởng Hợp tác xã vào Việt Nam.
Ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công năm 1945, ngày 11/41946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia Hợp tác xã nông nghiệp.
Sau 19 năm, cũng vào ngày 11/4, Bác Hồ gửi thư cho Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những Hợp tác xã điển hình tiên tiến, và yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các Hợp tác xã nông nghiệp phát triển.
Với ý nghĩa của ngày 11/4, ngày đánh dấu 2 sự kiện quan trọng đối với phong trào Hợp tác xã của Việt Nam, Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 thống nhất trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 11/4 hằng năm là Ngày Hợp tác xã Việt Nam (Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011).
Nguồn: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta với quan điểm coi kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một trong những thành phần kinh tế quan trọng; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực, vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng miền, địa phương.
Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có các hoạt động hỗ trợ phát triển HTX do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội. Từ những khích lệ, động viên, hỗ trợ các ý tưởng, đề án gắn với việc thành lập các mô hình HTX, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ; chị em phụ nữ đã có cơ hội vươn lên, phát triển và nâng cao quyền năng kinh tế.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2022, Hội phụ nữ các cấp đã hỗ trợ thành lập hơn 800 hợp tác xã và 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý.
Đổi thay cuộc sống của người phụ nữ
Về xã vùng sâu Suối Bàng (huyện Vân Hồ, thuộc tỉnh Sơn La) vài năm trở lại đây, có thể dễ dàng nhận thấy sự "thay da đổi thịt" hàng ngày của vùng đồi núi này. Những mảnh đất cằn cỗi đã được bao phủ bằng sự tốt tươi của các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, nhãn... Góp phần tạo ra sự thay đổi trên quê hương có chị Trần Thị Hồng, Giám đốc HTX nông nghiệp Suối Bàng.
Thành lập từ năm 2016, đến nay, HTX đã có 20 hộ tham gia đóng góp công sức, đất đai để canh tác tổng cộng 30 ha cây ăn quả. HTX đảm bảo các kỹ thuật cập nhật cho các thành viên và bao tiêu sản phẩm với số lượng lên đến 30 tấn cam và 10 tấn nhãn mỗi năm. Ngoài việc hướng dẫn người dân chăm sóc vườn cây ăn quả để tăng năng suất hơn, HTX còn mở rộng trồng cây ngắn ngày như dưa leo, bí, lạc củ, ớt để tăng thu nhập cho các thành viên. Thu nhập của các hộ gia đình tham gia HTX thay đổi rõ rệt. Có hộ gia đình thu nhập được 20 – 30 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bàng Đinh Thị Thúy Vì cho biết: Nơi này từng là nơi nghèo nhất trong xã, nhưng từ khi HTX Suối Bàng được thành lập, với quyết tâm chuyển sang trồng cây ăn quả dài ngày, đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ đã được cải thiện. Nhiều phụ nữ trước đây nhút nhát, không có tiếng nói trong gia đình nay đã tích cực tham gia sản xuất và đóng góp vào các hoạt động xã hội, bao gồm cả những hoạt động bảo vệ môi trường.
Trước đây, gia đình chị Bùi Thị Hà (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) cũng như nhiều chị em khác, sống chủ yếu bằng công việc làm nông, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ năm 2018, tham gia tổ hợp tác trồng ớt rừng, các chị em trong cùng nhau trồng ớt theo hướng sinh học, chế biến thành các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với diện tích trồng ớt được mở rộng qua từng năm, sản lượng đạt khoảng 700kg đã mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên. Mỗi thành viên của nhóm có thể thu về khoảng 45 triệu đồng/năm.
"Điều ý nghĩa chúng tôi có được khi tham gia mô hình là tự tin phát triển kinh tế, chiến thắng được chính bản thân mình, chiến thắng được sự tự ti của những người phụ nữ dân tộc thiểu số; biết tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương, dám nghĩ, dám làm, tận dụng cơ hội vươn lên thoát nghèo", chị Bùi Thị Hà chia sẻ.
Giải thưởng "Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP" tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức năm 2021 đã trở thành động lực để các sản phẩm của HTX Lụa Vy được lan tỏa mạnh mẽ hơn, tạo đà để Ban lãnh đạo HTX thực hiện chuyển đổi số, mở rộng kinh doanh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chị Vy Thị Lụa, Giám đốc HTX Lụa Vy cho biết: Ban lãnh đạo HTX luôn đi đầu xu thế, cập nhật các tính năng mới, chú trọng tập huấn cho các thành viên trong hợp tác xã và các đối tác kinh doanh, phân phối sản phẩm thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thành công lớn nhất của cả tập thể hợp tác xã và các nhà phân phối sản phẩm là xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trong lòng khách hàng. Hợp tác xã đã giúp tạo việc làm thường xuyên cho 04 chị với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Đồng thời tạo việc làm cho khoảng 20 hội viên theo thời vụ kết hợp bao tiêu nguyên liệu cho 30 hộ dân trên địa bàn.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thu hút 6,5 triệu thành viên và 1,6 triệu lao động, trong đó thu hút 2,7 triệu thành viên là nữ và 0,6 triệu lao động nữ.
Tỷ lệ các HTX có giám đốc là nữ điều hành hoặc tham gia Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên ước đạt 17,8%.
Có khoảng 8,6-12,4% HTX vừa có giám đốc là nữ, vừa có tỷ lệ lao động nữ cao (60-80%) là người nghèo hoặc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(Theo thông tin từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam)
Những câu chuyện kể trên chỉ là những ví dụ rất nhỏ cho thấy vai trò của HTX, của kinh tế tập thể và sự đồng hành của Hội LHPN các cấp đã thực sự trở thành bệ đỡ cho phụ nữ vươn lên bứt phá trong sản xuất kinh doanh, giúp thay đổi cuộc của chính bản thân, gia đình họ và và thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn.
Thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế tập thể
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho LHPN các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế, ngày 03/01/2023 Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" theo Quyết định số 01/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 01).
Tại Hội nghị khởi động Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã khẳng định: Các đề án của Chính phủ, thông qua phát triển kinh tế, có tác động tích cực vào sự ổn định xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như xây dựng gia đình hạnh phúc, đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Đây là những yếu tố xã hội cần thiết cho sự phát triển ổn định và bền vững của mỗi quốc gia, mà phụ nữ với thiên chức người mẹ, người vợ, có vai trò rất quan trọng.
Đề án 01 có mục tiêu tổng quát là: Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX. Nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đề án được kỳ vọng sẽ phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
"Việc Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là căn cứ quan trọng để Hội cùng các ngành, các cấp thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ", Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.