Hội Khuyến học Việt Nam sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW

Ngày 2/10, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008-2/10/2024), sơ kết 5 năm Kết luận 49/KL-TW và phát động Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2025.

Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương...

Tại buổi lễ, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã thông qua Báo cáo sơ kết 5 năm Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Vị trí, vai trò của Hội Khuyến học các cấp trong cả nước ngày càng được coi trọng

Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, sau 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban, Bộ, Ngành Trung ương, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố đã làm tốt chức năng tham mưu cho tỉnh, thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; chủ động phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai, thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư đạt kết quả tốt.

Công tác thông tin, truyền thông về giá trị, tầm quan trọng của sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được các cấp Hội đặc biệt chú trọng và triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiện đại nhưng cũng phù hợp với trình độ dân trí, văn hóa của từng địa phương.

Nhận thức của người dân về tầm quan trọng của học tập thường xuyên được nâng lên. Vị trí, vai trò của Hội Khuyến học các cấp trong cả nước ngày càng được coi trọng.

Công tác xây dựng và củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên ngày càng được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức khuyến học tiếp tục được phát triển trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong lực lượng vũ trang, trong các cộng đồng dân cư, trong cơ sở thờ tự tôn giáo… tạo thành hệ thống mạng lưới các cấp Hội Khuyến học từ trung ương đến cơ sở, hình thành phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sôi nổi, rộng khắp trong cả nước.

Hội Khuyến học với vai trò là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm xã hội của mình. Hội Khuyến học các địa phương đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị trong tỉnh về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Chính quyền các cấp ngày càng nhận thức rõ vai trò, vị thế của tổ chức Hội Khuyến học nên ngày càng quan tâm, tạo điều kiện, môi trường cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển.

Từ đó, cơ hội học tập của người dân - nhất là người lớn, không chỉ học tập trong gia đình, nhà trường mà học tập toàn xã hội ngày càng được nâng cao. Truyền thống hiếu học của nhân dân trong cả nước tiếp tục được phát huy và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Xây dựng và phát triển tốt quỹ khuyến học và các hình thức khuyến khích học tập; số lượng dư quỹ năm sau cao hơn năm trước, tạo nguồn lực để trao học bổng cho hàng trăm nghìn lượt học sinh và giáo viên trên địa bàn cả nước, tạo động lực thúc đẩy sự học trong nhân dân; đặc biệt Học bổng thường niên “Học không bao giờ cùng” được Trung ương Hội và Hội Khuyến học các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả, trao cho các tấm gương học tập tiêu biểu của mọi tầng lớp nhân dân, từ học sinh, sinh viên đến người lao động trong các thành phần kinh tế đã khẳng định: Hội Khuyến học đã học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tấm gương tiêu biểu của tinh thần tự học, học thường xuyên, học tập suốt đời, lấy việc học làm cốt. Người đã để lại cho chúng ta kho tàng tri thức vô giá trên nhiều lĩnh vực và dạy cho chúng ta phương pháp để đạt được tri thức đó.

Gần 40% hội cấp huyện và trên 50% hội cấp xã chưa được công nhận là hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ

Bên cạnh những ưu điểm, ông Lê Mạnh Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động khuyến học thời gian qua.

Cụ thể, Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp tổ chức thực hiện Kết luận theo 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

Tuy nhiên, nhiều nơi, tổ chức cơ sở Đảng chưa quan tâm thực hiện các nội dung của Kết luận 49-KL/TW như: Công tác phát triển tổ chức Hội và hội viên trong các tổ chức, cơ sở Đảng, các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang… chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức khuyến học, một số cấp ủy chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Hội Khuyến học hoạt động… nên sự lan tỏa phong trào còn hạn chế.

Hội Khuyến học các cấp được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg và Quyết định 677/QĐ-TTg từ cấp xã. Tuy nhiên, hàng năm, ở một số tỉnh /thành phố, hội cấp huyện chỉ được khoán chi sự nghiệp, còn hội cấp xã hầu như không được cấp kinh phí để hoạt động và triển khai nhiệm vụ được giao. Thậm chí, trên địa bàn 1 tỉnh, thành phố, huyện này được cấp kinh phí hoạt động còn huyện khác thì không được cấp.

Việc chi thù lao cho cán bộ nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo của các cấp hội thấp hơn (hoặc không có) so với quy định tại Quyết định 30/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, gần 40% hội cấp huyện và trên 50% hội cấp xã chưa được công nhận là hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nên việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ làm chuyên trách công tác hội trong cả nước còn nhiều khó khăn, hạn chế và rất khác nhau.

Đối với công tác thông tin tuyên truyền về Kết luận 49-KL/TW, một số cấp ủy Đảng và chính quyền ở cơ sở thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh nên Hội khuyến học ở nơi đó khó hoạt động. Việc tuyên truyền nhiều nơi chỉ mới dừng ở việc thông tin về chủ trương, chính sách, về các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên… mà chưa có nhiều biện pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú, chưa lồng ghép các chuyên đề vào sinh hoạt Đảng định kỳ, chưa nêu bật được các tấm gương điển hình trong phong trào để kêu gọi, thúc đẩy người dân noi theo, thực hiện;

Trung tâm học tập cộng đồng ở một số địa phương hoạt động chưa đều, chưa đổi mới phương pháp dạy và học để đáp ứng yêu cầu giáo dục theo hướng mở và nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân.

Sự phối hợp công tác giữa Hội Khuyến học và các đơn vị trong việc quản lý Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã ở một số nơi chưa hiệu quả nên hạn chế đến việc thúc đẩy học suốt đời của người dân tại các trung tâm, cộng đồng dân cư. Do đó, việc chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở cơ sở chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị khi thực hiện số hóa, triển khai phần mềm đánh giá mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định 677/QĐ-TTg là tương đối phổ biến. Hội Khuyến học các cấp thiếu nhân lực thông thạo công nghệ thông tin (tham gia công tác hội tại cơ sở hầu hết là người cao tuổi), kết nối Internet đến vùng sâu, vùng xa chưa tốt… nên việc triển khai phần mềm đánh giá các tiêu chí Công dân học tập gặp nhiều khó khăn.

Tại buổi lễ, ông Hoàng Thanh Liêm - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cho biết, sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy Khối, với những kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng viên đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng viên trong Đảng bộ Khối có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ lý luận chính trị theo chức danh, phục vụ trực tiếp cho việc chuẩn bị nhân sự quy hoạch, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối và phục vụ công tác nhân sự cấp ủy đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Khối và đại hội đoàn thanh niên các cấp Khối Doanh nghiệp Trung Ương theo đúng quy định.

Đồng thời góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng trong công tác khuyến học, khuyến tài, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng viên trong Đảng bộ Khối.

Ông Hoàng Thanh Liêm - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Ông Hoàng Thanh Liêm - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong quá trình triển khai, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, Tổng Liên đoàn rút ra một số bài học kinh nghiệm, cụ thể:

Cần xác định khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối kết hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo, ngành lao động thương binh và xã hội và Hội khuyến học các cấp.

Ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Hoạt động đẩy mạnh học tập suốt đời, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, nhận thức chính trị, pháp luật của đoàn viên, người lao động cần được tiến hành thường xuyên, liên tục; tài liệu và phương thức tuyên truyền, vận động cần được đổi mới cho phù hợp điều kiện sống, làm việc của người lao động.

Đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ công đoàn cần được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo quy định; chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.

Các cơ sở giáo dục của tổ chức Công đoàn cần thường xuyên đổi mới nội dung; đa dạng hình thức đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên; việc dạy và học cần đảm bảo xuất phát từ nhu cầu của người học, của doanh nghiệp, thị trường lao động.

Cần có sự đầu tư thích đáng về nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất... để thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hoi-khuyen-hoc-viet-nam-so-ket-5-nam-thuc-hien-ket-luan-49-kl-tw-179241002103732163.htm