Hội đồng Dân tộc - Bộ Tư lệnh BĐBP: Tổng kết quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2016-2023 và ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2023-2026
Chiều 9/11, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Hội nghị tổng kết quy chế phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP giai đoạn 2016-2023 và ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2023-2026. Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị về phía Hội đồng Dân tộc có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, đại diện lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; các đồng chí Đại biểu Quốc hội thuộc các tỉnh, thành phố là thành viên Hội đồng Dân tộc. Về phía Bộ Tư lệnh BĐBP có các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP; Thủ trưởng Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, các Cục, chỉ huy các phòng chức năng thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP; các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc.
Trong giai đoạn 2016-2023, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP, hai cơ quan đã đạt được nhiều kết quả trong công tác giám sát, khảo sát thực hiện chính sách dân tộc; vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phát huy trách nhiệm của đồng bào trong tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua các hoạt động góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Công tác phối hợp tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội; tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đạt nhiều kết quả nổi bật. Các đơn vị BĐBP đã cử 171 cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, 474 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, 321 cán bộ tăng cường xã; giới thiệu 2.563 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản và phân công 9.661 đảng viên phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tham mưu giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Thực hiện Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, đã trao tặng 2,853 tỷ đồng tiền mặt, 137.672 suất quà, 194 con bò giống, 113 công trình dân sinh, 40.153 suất quà, 350 xe đạp, 345 căn nhà “Mái ấm biên cương”, 127,5 tấn gạo và 108.283 chiếc bánh chưng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo ở khu vực biên giới; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 22.000 người với tổng kinh phí trên 118 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, các đơn vị BĐBP nhận đỡ đầu 2.487 cháu học sinh nghèo vượt khó ở khu vực biên giới, nhận nuôi 359 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hội đồng Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp tốt trong tổ chức thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Các đơn vị BĐBP phối hợp với các địa phương thành lập 1.587 tổ, với 39.724 hộ gia đình và 60.493 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; 14.822 tổ tự quản an ninh trật tự, với 232.737 thành viên; 3.219 tổ tự quản tàu thuyền an toàn, với 77.134 thành viên, 916 bến bãi an toàn, 54 đội sản xuất an toàn trên biển, thành lập 173 tổ nuôi thủy sản an toàn với 3.336 thành viên.
Tại Hội nghị, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2023-2026 với những nội dung sau: Tham gia xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ các vấn đề về chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số khu vực biên giới; giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, công tác, chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc thiểu số gắn với công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Trao đổi các thông tin giúp cho việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vùng dân tộc thiểu số khu vực biên giới. Hằng năm, căn cứ vào chương trình công tác cụ thể của hai cơ quan, có thể xây dựng các nội dung phối hợp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp.