Hội chứng 1.000

TP - Thủ đô 1.000 năm tuổi... Mấy năm vừa qua, thỉnh thoảng đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta lại hào hứng với một ý tưởng nào đó về một hoạt động văn hóa nhằm vào đại lễ. Và đại lễ 1.000 năm nên con số 1.000 đã thực sự “hot”...

Chúng ta vừa bước qua thời khắc lịch sử của Thăng Long - Hà Nội với một con số tuyệt đẹp: 999 năm. Vậy là còn chưa đầy 365 ngày nữa Hà Nội sẽ tròn một thiên niên kỷ làm “nơi lắng đọng tâm hồn sông núi”. Ta có quyền tự hào và thể hiện tình yêu với Hà Nội. Rất nhiều ý tưởng nghệ thuật gắn với con số 1.000 đã và sẽ còn ra đời. Tuy nhiên, việc thực hiện cần phải hợp lý, không nên lạm dụng. “Hot” con số 1.000! Thủ đô 1.000 năm tuổi, lẽ đương nhiên không chỉ người Hà Nội, nhân dân cả nước cũng háo hức đợi mong. Mà đâu chỉ dừng lại ở việc mừng, ai cũng muốn góp một chút gì đó cho ngày đại lễ thêm phần ý nghĩa. Đấy là tình cảm thiêng liêng của những công dân có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Nhưng đóng góp như thế nào cũng là điều rất đáng bàn. Mấy năm vừa qua, thỉnh thoảng đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta lại hào hứng với một ý tưởng nào đó về một hoạt động văn hóa nhằm vào đại lễ. Cùng với đó là quyết tâm sẽ thực hiện với kế hoạch tài trợ hoặc tự bỏ tiền túi, hoặc đề xuất ý tưởng để Ban chỉ đạo đại lễ được biết. Và đại lễ 1.000 năm nên con số 1.000 đã thực sự “hot”, nó hiện hữu trong rất nhiều hoạt động. Ngay trong kịch bản đại lễ đã công bố sẽ có một sân khấu lớn rộng 1.000m2, một con rồng lớn cùng 1.000 con rồng con, 1.000 chùm bóng bay mang theo 1.000 cờ phướn được thả lên bầu trời. Ở phần các hoạt động còn có sự kiện một dàn đại hợp xướng 1.000 nghệ sĩ, một dàn kèn đồng 1.000 nhạc công, có dàn trống 1.000 người đánh, có sự tham gia của 1.000 em thiếu nhi đại diện cho những chủ nhân tương lai của Thủ đô, của đất nước… Bên cạnh những hoạt động gắn với con số 1.000 đã được công bố sẽ có trong đại lễ kỷ niệm, còn nhiều ý tưởng lớn đều ít nhiều liên quan đến con số 1.000. Đã có một cuộc thi được phát động nhằm thu thập một bộ sưu tập 1.000 bức ảnh nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ở tỉnh Ninh Bình đã chính thức thực hiện bức tranh thêu kỷ lục mừng đại lễ 1.000 năm Hoa Lư - Thăng Long. Bức tranh xuất phát từ ý tưởng của chị Phạm Thị Hoài, một công dân muốn có một việc làm ý nghĩa dâng đại lễ. Theo đó dự kiến để hoàn thành bức tranh thêu lớn trên chất lượng vải lanh “ngốn” khoảng 70 kg chỉ thêu sẽ phải có sự tham gia trực tiếp của 100 nghệ nhân thêu và dự kiến họ mất 1.000 ngày công. Còn có những ý tưởng hết sức lạ lẫm như sẽ có 1.000 cái trống đồng và chắc cũng chừng ấy người sẽ cùng gõ trống trong ngày đại lễ… Chớ nên lạm dụng! Như thế có nghĩa sẽ có rất nhiều hoạt động chính thức hoặc có thể sẽ vẫn chỉ là ý tưởng nhưng đều gắn với con số 1.000. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Thủ đô kỷ niệm 1.000 năm tuổi là sự kiện trọng đại. Đương nhiên đó là ý tưởng độc đáo và sẽ mang lại nhiều sự thú vị trong cảm nhận của những người tới dự hoặc mừng ngày đại lễ qua truyền thông. Nhưng, cũng phải nói thật, không nên quá lạm dụng con số 1.000. Hãy sử dụng có chắt lọc. Bởi lẽ, những gì là ý tưởng mới thì có thể thoải mái thực hiện nếu điều kiện cho phép. Chẳng hạn như con rồng lớn và 1.000 con rồng con, 1.000 quả bóng kèm 1.000 cờ phướn, sân khấu 1.000 m2, 1.000 em thiếu nhi… hay như bức tranh thêu được khẳng định là 1.000 ngày công, bộ sưu tập 1.000 bức ảnh… hoặc những yếu tố thuộc về văn hóa phương Tây mới du nhập vào Việt Nam trên dưới một thế kỷ như dàn kèn đồng, dàn đại hợp xướng… Nhưng với những gì thuộc về văn hóa truyền thống thì cần phải thận trọng, tránh để tình trạng làm cho vui. Bởi lẽ đã là truyền thống thì phải có quy định, lề luật. Các cụ ta khi xưa không ngẫu nhiên đã sáng tạo ra nhiều loại tiết tấu gõ, mỗi loại tiết tấu ngay từ khi ra đời được gắn với một công việc nào đó. Chỉ cần gõ tiết tấu ấy lên tất cả nhân dân sẽ biết trong cộng đồng làng xã của mình đang có sự kiện gì: Buồn vui, hội hè, việc trọng đại, hay có giặc, có bão lụt, vỡ đê hay cướp bóc… Cùng với mỗi loại tiết tấu sẽ có quy định về các loại trống (hay nhạc khí gõ khác) được đánh và số lượng bao nhiêu cái. Chẳng hay trong ngày đầu năm mới mà ai đó trót vui tay đánh nhịp trống ngũ liên thì cả làng sẽ hết sức lo lắng vì đó là điềm báo cả một năm đó sẽ bị thiên tai lũ lụt, địch họa, cướp bóc đe dọa. Nếu là năm đầu tiên của thập niên mới thì nỗi lo nhân lên gấp 10 lần thời gian. Nhắc như trên để thấy mỗi một nhịp trống đánh theo kiểu truyền thống đã phải truyền tải một thông điệp nào đó. Chính vì thế muốn xây dựng một màn trống hội cũng phải xây dựng thành một tổ khúc, phải có ý nghĩa, thông điệp gì đó thông qua mỗi một nhịp trống. Có thể đó là bức tranh dựng nước, giữ nước với những nhịp trống trận, rồi tái hiện lại những ngày đấu tranh với “giặc nước”, cướp bóc với những nhịp trống ngũ liên hay cả một bức tranh về quê hương yên bình với trống của ngày hội. Và đó phải là những nhịp trống mang phong cách của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Khi đã có một ý tưởng nội dung mới gắn kết được âm nhạc thông qua các nhịp trống cần cẩn thận khi dùng nhịp trống nào, dùng với biên chế bao nhiêu cái; nếu muốn nhiều tới con số 1.000 thì cũng phải từ biên chế ấy mà nhân lên chứ không nên tùy tiện đặt ra theo cảm hứng chủ quan của người dựng màn trống. Mấy năm trước khi trên truyền hình có màn trống hội hoành tráng, có nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống đã thốt lên: “Trống hội như thế là làm cho vui thôi chứ chưa phải truyền thống”. Một điều rất đáng nói nữa là, cũng theo ông, có nhiều nhịp trống ngũ liên, đã xuất hiện trong màn trống ấy, trong khi toàn bộ màn trống hội đó chưa thể hiện được ý tưởng nội dung thông qua tiết tấu để chứng tỏ đó là một tổ khúc trống hội truyền thống. Vì thế nên nhịp trống ngũ liên đã được sử dụng ở đó đáng ra nên tránh bởi nó là điềm xấu, báo hiệu bão lũ, ngập lụt... chứ không phải trống vui ngày hội. Nên tìm về trong dân gian, đến các làng cổ tìm những nghệ nhân cao tuổi thạo các nhịp trống để tham khảo, học hỏi, ghi âm lại những nhịp trống dù việc tìm ra một cụ thạo nhịp trống như thế giờ có thể sẽ khó bởi từ mấy chục năm nay cộng đồng làng xã đã không còn sử dụng trống mà thay bằng hệ thống loa truyền thanh làng, xã. Bên cạnh đó nên tham khảo các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đánh trống trong các đoàn kịch hát truyền thống (chèo, tuồng) rồi mới bắt tay vào việc dàn dựng màn trống hội cho đại lễ. Hay một ý tưởng gây “sốc” ấy là việc sử dụng 1.000 chiếc trống đồng cùng đánh một lúc trong ngày đại lễ. Không biết ý nghĩa của nó sẽ như thế nào, nhưng có thể cảm nhận ngay rằng âm thanh của 1.000 chiếc trống đống mà phát ra cùng một lúc thì sẽ rất khó nghe. Ấy mới chỉ nói riêng về hiệu quả âm thanh, còn về ý nghĩa nó thế nào thì vẫn còn quá nhiều vấn đề phải bàn. Bởi lẽ, trống đồng với chúng ta cho đến ngày nay vẫn còn là một ẩn số. Chưa ai khẳng định được cách đánh trống đồng ra sao dù qua những hình chạm khắc khảo cổ còn giữ được đến ngày nay có thể phỏng đoán phải đánh bằng cả hai tay. Thêm nữa, cũng chưa biết chính xác trống được đánh trong dịp nào. Rất có thể trống đồng không phải là một nhạc cụ thông thường, mà là một vật thiêng; cũng có thể trống được các cư dân Việt cổ xưa kia dùng để gõ lên phát ra những âm thanh kim loại nghe rất đanh nhằm để xua đuổi thú dữ… Khi chưa thực sự khám phá được thì chớ nên dùng tùy tiện. Nhưng nếu là hình ảnh 1.000 cái trống đồng được trưng bày góp vui trong ngày đại lễ thì lại là một ý tưởng hay nếu có đủ kinh phí và đủ thời gian để thực hiện.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=174694&channelid=2