Học tiền tiểu học, lợi bất cập hại
Năm học 2024-2025 gần kết thúc, cũng là lúc nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 tìm nhiều cách để cho con học trước chương trình vì lo ngại con sẽ thua kém bạn bè khi bước vào năm học đầu cấp. Tuy nhiên, việc cho con học trước có thể dẫn đến tâm lý chủ quan ở trẻ, khiến các em lơ là trong học tập.

Học sinh Trường Mầm non Hoa Sen, TP. Đông Hà tham gia hội thi mỹ thuật cấp trường -Ảnh: MNHS
Từ sau tết Nguyên đán 2025, nhiều phụ huynh có con học mầm non tất bật tìm lớp học chữ với mong muốn con có hành trang vững vàng trước khi vào lớp 1. Nhiều người lên mạng hỏi kinh nghiệm về thời điểm phù hợp để cho con học tiền tiểu học. Trên các hội, nhóm facebook như “Cùng con học lớp 1”, “Tiền tiểu học - tự tin vào lớp 1”... đăng các bài viết chia sẻ kinh nghiệm về việc cho con học trước khi vào lớp 1.
Không ít phụ huynh lo lắng khi con sắp vào lớp 1 nhưng chưa thuộc hết bảng chữ cái, chỉ đếm được từ 1 đến 10. Thậm chí, có phụ huynh có con đang học lớp chồi, sang năm mới vào lớp lá cũng đã tìm hiểu thời điểm thích hợp để cho con học trước.
Chị Nguyễn Ngọc Vui ở huyện Gio Linh làm việc cho một doanh nghiệp tại TP.Đông Hà có con gái sinh năm 2019 đang học mẫu giáo. Cách đây 5 tháng, chị bắt đầu tìm hiểu các lớp học để đăng ký cho con theo học. “Ban đầu, tôi tham khảo ý kiến trên các hội, nhóm, thấy nhiều người nói không cần nặng nề với việc hướng dẫn học sinh luyện chữ đẹp và rèn kỹ năng trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên khi nhận ra hầu hết phụ huynh trong lớp mẫu giáo đều đăng ký cho con học nên tôi quyết định tìm trung tâm cho con học”, chị Vui chia sẻ.
Chung nỗi lo ấy, chị Hoàng Thị Hiếu ở TP.Đông Hà cho biết, thời gian trước chị loay hoay mãi vẫn chưa tìm được chỗ cho con trai học trước khi vào lớp 1 cho kịp bạn bè. Theo chị, học tiền tiểu học rất cần thiết nên quyết định đăng ký cho con học. Theo chị, khi vào lớp 1, nhiều trường một lớp có đến 35-40 học sinh, giáo viên không thể hướng dẫn cho từng cháu. Việc giúp con biết chữ, quen với con số, tính toán đơn giản sẽ giúp con vững vàng hơn. Nhờ bạn giới thiệu, chị đưa con đến một trung tâm trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, giáo viên trung tâm giải thích rằng lớp học này không dạy trước chương trình lớp 1 mà chỉ rèn cách cầm bút, viết các nét đơn giản và dạy các kỹ năng cần thiết cho các bé. Cũng theo các giáo viên ở đây việc dạy trước chương trình sẽ khiến các cháu không còn ham thích học tập, dẫn đến chủ quan, thiếu tập trung khi vào học chính khóa.
Theo nhiều giáo viên mầm non, giai đoạn tiền tiểu học là bước chuyển quan trọng, do đó cha mẹ nên tập trung trang bị cho con kỹ năng, tâm lý vững vàng để con tự tin bước vào lớp 1. Đây là thay đổi lớn, có thể gây khó khăn cho trẻ.
Ở bậc mầm non, trẻ chủ yếu tham gia hoạt động vui chơi, sinh hoạt theo nhu cầu bản thân dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Khi bước vào lớp 1, các em phải hoàn thành nhiệm vụ học tập trên lớp, tuân thủ nội quy trường học và biết tự phục vụ cá nhân.
Vì vậy, cha mẹ nên cùng con trò chuyện về môi trường mới; thầy cô, bạn bè mới; khơi gợi sự háo hức của trẻ khi bước vào lớp 1. Cùng với đó, phụ huynh cần rèn cho con thói quen đúng giờ, luôn chuẩn bị sẵn sàng sách vở, trang phục trước giờ đi học và ý thức tự giác, ngăn nắp.
Đồng quan điểm, cô Phúc Huế, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, người có hơn 25 năm dạy tiểu học, cho rằng mỗi giai đoạn phát triển của trẻ cần có phương pháp giáo dục phù hợp. Nếu có điều kiện, trước khi vào lớp 1, phụ huynh chỉ cần cho con làm quen mặt chữ, còn việc học phát âm sẽ được hướng dẫn chính thức ở trường.
Gia đình cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để con không bị sốc khi chuyển môi trường từ mẫu giáo sang tiểu học. Cha mẹ không nên quá lo lắng mà ép con học sớm, dễ dẫn đến căng thẳng, chán học.
“Điều quan trọng là trang bị cho trẻ những kỹ năng thiết yếu và tâm lý vững vàng. Đặc biệt, cần rèn luyện các kỹ năng như: giao tiếp, hợp tác, tự phục vụ, tự đi vệ sinh... để con tự tin hòa nhập với môi trường mới; nên khuyến khích trẻ mạnh dạn bày tỏ ý kiến, biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết”, cô Huế chia sẻ.
Nếu cho trẻ học tiền tiểu học với mục đích học trước kiến thức hoàn toàn không phù hợp với quy luật phát triển của trẻ. Tiền tiểu học là “giai đoạn vàng” phát triển về thể lực, năng lực tư duy, rèn cho trẻ việc học tập và giúp trẻ cảm thấy thích thú với việc tự học. Khi rèn được những đặc điểm, tính cách đó, con đường học tập của trẻ sau này sẽ dễ dàng, đơn giản hơn.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hoc-tien-tieu-hoc-loi-bat-cap-hai-193697.htm