Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Kiểm toán Nhà nước – 30 năm xây dựng và phát triển'.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, hướng tới 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước (11/7/1997 - 11/7/2024).

* Khẳng định vị thế là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản

Tại hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua 30 năm hình thành và phát triển đã đánh dấu một chặng đường phát triển vượt bậc của Kiểm toán Nhà nước. Từ một cơ quan chưa có tổ chức tiền thân và tiền lệ về hoạt động, được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán, đến nay Kiểm toán Nhà nước đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định vị thế là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

*Hoàn thiện địa vị pháp lý, thực hiện nhiệm vụ nhân dân giao phó

Các ý kiến tại Hội thảo đều nhấn mạnh, sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhưng để có được ngày hôm nay - trở thành một thiết chế độc lập, do Quốc hội thành lập, được Hiến định là một quá trình dài xây dựng, kiến tạo cơ sở pháp lý.

Quá trình này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã có một hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ và thống nhất. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước được thành lập theo Nghị định số 70/CP của Chính phủ. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 61/1995/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Kiểm toán Nhà nước) Hoàng Phú Thọ, hai văn bản trên được coi là những căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như tuyên ngôn khai sinh Kiểm toán Nhà nước, qua đó tạo bước phát triển lớn cho hệ thống các công cụ kiểm tra và kiểm soát tài chính của Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và tăng cường năng lực tài chính quốc gia.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Đây là dấu mốc lịch sử trong hành trình kiến tạo, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Kiểm toán Nhà nước. Lần đầu tiên, địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, nền tảng pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và là một dấu mốc lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của Kiểm toán Nhà nước.

Việc đưa địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp năm 2013 chính là một "mốc son chói lọi" trong hành trình 30 năm phát triển của Kiểm toán Nhà nước. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất những định hướng, giải pháp mang tính chiến lược nhằm phát triển Kiểm toán Nhà nước để khẳng định vai trò, vị thế của Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.

Đỗ Bình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoat-dong-cua-kiem-toan-nha-nuoc-gop-phan-quan-trong-lam-minh-bach-nen-tai-chinh-quoc-gia/339315.html