Hoàng Trần Nghịch - nhà nghiên cứu văn hóa Thái

Nhắc đến những tên tuổi trong 'làng' văn học và nghệ thuật Sơn La chuyên nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật về văn hóa Thái, hẳn ai cũng biết đến Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái - Hoàng Trần Nghịch. Ông hiện đang sinh sống ở tổ 8, phường Quyết Thắng (Thành phố). Dù đã ở vào tuổi 'xưa nay hiếm', nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu và viết, với mong muốn gìn giữ lại cho con cháu đời sau những giá trị tinh thần của dân tộc. Ông là tác giả biên soạn cuốn Từ điển Thái - Việt và là người Thái đầu tiên của Sơn La vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2017.

Ông Hoàng Trần Nghịch - Nhà nghiên cứu văn hóa Thái bên những giải thưởng

được Nhà nước và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật

các dân tộc thiểu số Việt Nam trao tặng.

Ông Hoàng Trần Nghịch sinh năm 1934, quê ở lộng Sốp Cộp thuộc tổng Sốp Cộp, châu Mường Lay, Điện Biên (nay là xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). Lớn lên trong thời kỳ thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị hà khắc ở đây, nhân dân trong vùng sống trong cảnh tối tăm, khổ cực. Bố mất sớm, song may mắn ngay từ nhỏ, ông đã được mẹ và chú ruột truyền dạy chữ Quốc ngữ và chữ Thái cổ; với tố chất thông minh nên ông nắm và học thuộc rất nhanh. Năm 1952, ở Sốp Cộp mở các lớp bình dân học vụ, khi đó ông mới 18 tuổi, là một trong số ít thanh niên dân tộc Thái lúc bấy giờ biết đọc thông, viết thạo chữ Thái, chữ Quốc ngữ, nên ông được cử làm giáo viên dạy xóa mù chữ. Năm 1954, ông được cử đi học ở Trường Sư phạm Tây Bắc tại Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, rồi Trường Sư phạm miền núi Trung ương ở Hà Nội (1955). Từ năm 1963 đến 1984, ông trải qua nhiều vị trí công tác: Cán bộ của Viện Nghiên cứu giáo dục (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam); phụ trách Phòng Ngữ văn - Sở Giáo dục Tây Bắc; giáo viên dạy chính trị trường Cao đẳng Sư phạm cấp II Tây Bắc (nay là Trường Đại học Tây Bắc); giữ các chức vụ Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ các dân tộc Khu Tây Bắc tại huyện Thuận Châu; Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La... khi đã về nghỉ hưu trí, ông vẫn đam mê với công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái.

Nói về cơ duyên tham gia biên soạn cuốn Từ điển Thái - Việt, ông kể: Năm 1963, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường Sư phạm miền núi Trung ương, ông được Bộ Giáo dục cử về công tác ở Tổ xây dựng chữ các dân tộc, Viện Nghiên cứu giáo dục. Khi đó, Bộ Giáo dục yêu cầu tổ nghiên cứu, xây dựng 5 cuốn từ điển, trong đó có cuốn Từ điển Thái - Việt. Chữ Thái cổ có hai loại chữ âm vị và chữ tượng hình. Để dịch được chữ tượng hình phải có kiến thức sâu rộng, suy luận, hệ thống ngữ pháp, ngôn từ giỏi mới có thể làm được. Ở Sơn La, khi đó người đọc, dịch được chữ Thái cổ âm vị chỉ còn vài chục người; trong đó, giải nghĩa được chữ tượng hình thì chỉ có ông. Năm 1964, ông được Hội đồng nhân dân Khu tự trị Tây Bắc nhất trí giao trách nhiệm xây dựng cuốn Từ điển Thái - Việt và phải đến năm 1991, cuốn sách mới hoàn thành và xuất bản với gần một vạn từ ngữ cơ bản, phổ biến trong tiếng Thái được đối dịch sang khoảng hai vạn từ tiếng Việt. Cuốn sách hiện là di sản văn hóa của đồng bào Thái và là tài liệu quan trọng trong việc giảng dạy, nghiên cứu, học tập tiếng Thái ở các trường đại học, cao đẳng...

Khi về công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, vẫn đau đáu giá trị văn hóa cổ xưa của dân tộc đang dần bị mai một, ông đã bỏ nhiều công sức, nhiều năm trời chắt lọc, biên soạn từ kho chữ Thái cổ; từng lời dịch của ông đem đến sự cuốn hút, truyền tải một cách rõ nét nhất giá trị tinh thần, giá trị đạo đức của văn hóa Thái cổ xưa, làm thỏa lòng những người yêu thích văn hóa Thái. Niềm say mê nghiên cứu đã giúp ông có 24 công trình văn hóa dân gian dân tộc Thái được xuất bản thành sách (được phiên âm chữ Thái, dịch ra tiếng Việt); trong đó, 21 cuốn đạt các giải của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam như: Khắp báo sao - Tiếng hát giao duyên (1993), Phương ngôn tục ngữ Thái (1994), Báo hồn dưới trần gian (1995), Sổ coi ngày, xem giờ dân tộc Thái (1998), Bộ sách tang lễ dân tộc Thái (1999), Lời cúng giỗ tổ tiên dân tộc Thái (2000), Lời có vần ông cha truyền lại (2006)... tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân tộc, đưa những tài liệu quý này đến gần hơn với độc giả trong cả nước.

Với niềm đam mê và cống hiến không mệt mỏi, dành trọn cuộc đời và sự nghiệp cho văn hóa Thái, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Hoàng Trần Nghịch đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, lưu giữ cho thế hệ sau những giá trị văn hóa dân tộc Thái. Mong muốn lớn nhất của ông là có người tiếp nối công việc của ông, bổ sung thêm vốn từ vựng mới để cuốn Từ điển Thái - Việt được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của những người yêu tiếng Thái, văn hóa Thái.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoang-tran-nghich--nha-nghien-cuu-van-hoa-thai-25947