HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO
Sáng 28/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo 'Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện'. TS.Lê Hải Đường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có: TS.Nguyễn Quân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đến từ Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Đại học Luật Hà Nội, Viện kinh tế và Quản lý, Hiệp hội Blockchain Việt Nam;…
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Lê Hải Đường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết đây là hội thảo nằm trong kế hoạch triển khai hoạt động nghiên cứu đề tài cấp bộ “Hoàn thiện pháp luật đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” do TS. Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước làm Chủ nhiệm.
Nhấn mạnh đây là đề tài mang tính ứng dụng cao, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đề nghị, các đại biểu phát huy cao tinh thần trách nhiệm, tham gia ý kiến sâu sắc, toàn diện, khách quan vào những nội dung trọng tâm liên quan đến thực trạng pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng như những giải pháp hoàn thiện.
Tại hội thảo, các chuyên gia nghe các tham luận và cho ý kiến về: Thực trạng khung khổ pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay; Quy định pháp luật về hỗ trợ thủ tục thành lập, gia nhập thị trường của Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Pháp luật về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Pháp luật về hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp; Quy định tiêu chí doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;…
Thiếu tính hệ thống, khó theo dõi, khó nắm bắt đối với chủ thể được hỗ trợ
Qua thảo luận, các chuyên gia cho rằng, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phổ biến hơn với nhiều hình thức đa dạng, và đang nhận được nhiều kỳ vọng, sự quan tâm trong chính sách phát triển doanh nghiệp. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy... khởi nghiệp sáng tạo” nhằm “phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của. hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Do đó, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cũng như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được quan tâm ngày càng sâu rộng đặc biệt là trong việc tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ mô hình doanh nghiệp này.
Liên quan đến hệ thống pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho biết, có thể chia ra thành các quy định pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo Đề án 844 và các quy định pháp luật chuyên ngành cụ thể có đề cập tới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Chỉ ra một số hạn chế trong quy định pháp luật về lĩnh vực này hiện nay, các ý kiến chuyên gia nêu rõ: Hiện chưa có quy định pháp luật dành riêng cho hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau nên thiếu tính hệ thống, khó theo dõi, khó nắm bắt đối với chủ thể được hỗ trợ;…
Ngoài ra, quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay hầu như mới chỉ đề cập tới các biện pháp hỗ trợ mà chưa đề cập tới việc triển khai thực thi các quy định này cũng như cách thức xử lý nếu như doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định nhằm nhận hỗ trợ;…
Hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Đưa ra khuyến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể liên quan đến hoàn thiện: Quy định pháp luật về hỗ trợ thủ tục thành lập, gia nhập thị trường của Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Quy định tiêu chí doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; pháp luật về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;… Cụ thể:
Các ý kiến đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên cân nhắc việc bổ sung quy định về hỗ trợ thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đối với nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra một hệ sinh thái phong phú, đa dạng và có nhiều lợi thế. Chính phủ tăng cường xây dựng và ban hành nghị định cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành các điều khoản trong chương III của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, các chuyên gia cũng kiến nghị, cần phải xây dựng cơ sở pháp lý riêng về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó: đưa ra những định nghĩa cụ thể cho các thuật ngữ “khởi nghiệp”, “doanh nghiệp khởi nghiệp”, “khởi nghiệp sáng tạo”; quy định chi tiết, thống nhất, các tiêu chí xác định và phân loại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời tổng hợp những giải pháp, chính sách đặc thù hỗ trợ (về thủ tục, vốn…) hoạt động khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, tránh tình trạng thiếu nhất quán, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khác nhau.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút gọn thời gian, đơn giản hóa quy trình, giảm thiểu chi phí thông qua cơ chế “một cửa”, kết hợp với giải pháp chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung các chế tài xử phạt mang tính răn đe nghiêm khắc đối với hành vi nhũng nhiễu, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, liên quan đến hoàn thiện quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, ý kiến chuyên gia cho rằng, việc phát triển quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và hình thành môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo một cách minh bạch và cụ thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thực chất và hiệu quả, đồng thời giúp các nhà đầu tư thoát khỏi những lúng túng trong quá trình tổ chức hình thức đầu tư phù hợp với mong muốn của mình. Do đó, các quy định pháp luật cần linh hoạt và rõ ràng để các nhà đầu tư có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, minh bạch, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp với tiềm lực tài chính dồi dào và khởi sắc hơn nữa.
Kết thúc hội thảo, TS.Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra bức tranh tổng thể về thực trạng pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay. Từ đó, đưa ra nhiều khuyến nghị và giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới dưới góc độ của các nhà khoa học, nghiên cứu cũng như từ hoạt động thực tiễn.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, xác đáng của các vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, TS. Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước, Chủ nhiệm Đề tài nhấn mạnh, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ nội dung góp ý, khẩn trương rà soát, hoàn thiện Đề tài với nội dung cô đọng, xúc tích cùng những giải pháp/kiến nghị hết sức cụ thể, thiết thực mang tính ứng dụng cao, đảm bảo Đề tài nghiên cứu đạt chất lượng cao nhất.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77558