Họa sĩ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn: Thay đổi tư duy giáo dục để kích hoạt sáng tạo

Cơ hội làm nghề và sân chơi cho nghệ sĩ trẻ luôn là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sáng tạo, nuôi dưỡng cá tính nghệ thuật và kết nối nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là chủ đề mà giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Mỹ thuật chia sẻ với Hànôịmới Cuối tuần trong cuộc trò chuyện dưới đây.

- Là một nhà giáo và cũng là một nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại, theo anh, sân chơi cho nghệ sĩ trẻ đã có sự mở rộng thế nào trong những năm gần đây?

- Tôi xin nói gọn trong lĩnh vực hội họa. Dễ thấy, không gian giới thiệu trưng bày, triển lãm các tác phẩm cho họa sĩ đã được mở rộng, đặc biệt là trong những năm gần đây. Trước đây, nếu không phải là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam thì gần như không thể giới thiệu tác phẩm ở nhà triển lãm 16 Ngô Quyền. Các không gian nghệ thuật của các hội văn học nghệ thuật gần như là con đường duy nhất để nghệ sĩ là hội viên giới thiệu tác phẩm tới công chúng.

Tuy nhiên, hệ giá trị xã hội cơ bản thay đổi đã tác động đến các lĩnh vực nghệ thuật. Nhiều triển lãm được họa sĩ thực hiện theo hình thức online - điều trước đây chưa từng có. Vai trò của không gian truyền thống không còn hấp dẫn, nhất là khi những hoạt động có tính chất hội hè không tự đổi mới. Sự phát triển của nghệ thuật theo hướng liên ngành, liên thông cũng góp phần khiến khả năng biểu đạt của giới trẻ được nới rộng, vượt qua những giới hạn thông thường.

Một ví dụ như sự xuất hiện các câu lạc bộ theo kiểu Mỹ thuật trẻ, thu hút một lực lượng lớn sinh viên - rõ ràng chưa phải là hội viên các hội. Ngoài ra, có những không gian trung tâm văn hóa nước ngoài, các quỹ văn hóa tài trợ trực tiếp cho các họa sĩ trẻ với những dự án mới có câu chuyện, có vấn đề. Nghệ thuật đương đại về bản chất là nghệ thuật của các vấn đề. Điều này đã thực sự hấp dẫn nghệ sĩ trẻ - lực lượng sáng tạo vốn nhiều trăn trở, tiềm ẩn năng lượng đổi mới.

- Thực trạng đào tạo thực hành đa phương tiện hiện nay như thế nào, thưa anh?

- Thực hành nghệ thuật đương đại hỗ trợ các bạn trẻ rất nhiều khi bước ra thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, hầu như không có chương trình đào tạo nghệ thuật đa phương tiện. Một số môn tự chọn trong chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực này thực chất là nội dung mở rộng, thêm vào và không đủ sâu.

Như vậy, cả người đào tạo lẫn người học đều phải tự tìm hiểu, học hỏi, thực hành.

- Như vậy thì việc truyền thụ kiến thức, bồi đắp kỹ năng, năng lực sáng tạo càng phải được diễn ra trong thực tế làm nghề? Trong đó, quan trọng nhất là một tư duy và phương pháp sáng tạo mới?

- Quả thực, đây là điều quan trọng quyết định chất lượng hoạt động nghệ thuật. Xin dẫn một ví dụ cụ thể là dự án triển lãm mỹ thuật đa phương tiện “45 ngày trong phố cổ” mà tôi trực tiếp hướng dẫn sinh viên của Đại học Mỹ thuật vào năm 2016. Thay vì đưa các bạn đi thực tế ngoài hiện trường như trước đây để rồi nhận về một “hiện thực” na ná như nhau, chúng tôi đã cùng nhau tìm kiếm ý tưởng từ chính chiều sâu không gian phố cổ ngay tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ - 50 Đào Duy Từ. Các bạn trẻ được hướng dẫn tiếp cận bản đồ, tư liệu... trên bảo tàng tại tầng 2 của trung tâm, sau đó mỗi người tự chọn một góc tiếp cận, tự tìm hiểu, đào sâu, hiện thực hóa ý tưởng của mình. Rất nhiều bạn đã đưa ra được những câu chuyện của riêng mình từ một khảo cứu lịch sử. Có bạn lấy cát từ chính những khách sạn đang xây trong không gian phố cổ tạo thành tác phẩm sắp đặt. Có bạn tạo nên những đường ống mà trẻ em có thể chui qua - mô phỏng những con ngõ của phố cổ Hà Nội...

Tôi cho rằng, thế hệ trẻ rất đáng tin cậy và đáng để hy vọng, vấn đề là chúng ta không thể dạy theo cách cũ. Thay đổi tư duy về giáo dục mới kích hoạt được năng lượng sáng tạo của người trẻ. Nhiều khi càng đi thực tế hời hợt thì càng xa rời thực tế. Dự án “45 ngày trong phố cổ” tôi nói ở trên đã cố gắng phá bỏ điều ấy, và thay vì đi ra ngoài như một cái máy, chúng tôi đi vào lõi thành phố - điều mà không phải ai cũng hiểu.

Mới đây, với trưng bày “Xê dịch” tại AGOhub của nhóm sinh viên chuyên ngành lụa, Đại học Mỹ thuật, chúng tôi đã “bê” cả một cái xưởng ra khỏi trường học. Các sinh viên đến và thực hành rất hào hứng trong không gian này. Rõ ràng, một cái xưởng cần nhất là người dạy và người học, chứ không phải là một không gian vật lý. Có không gian thực hành mới là một điều kiện, và tinh thần sáng tạo, đổi mới giáo dục từ không gian ấy mới là cốt lõi.

Triển lãm tại tuần lễ khơi nguồn sáng tạo (số 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm).

- Đổi mới từ người dạy, người hướng dẫn là một yếu tố, nhưng người học, người thực hành sáng tạo cũng cần chủ động rèn luyện, học hỏi?

- Trẻ thì luôn là năng lượng mới. Khơi gì thì cũng bắt nguồn từ người trẻ. Nhưng có đổi mới gì, sáng tạo gì thì quan trọng nhất là gốc văn hóa. Nếu không hiểu sâu về bản chất sáng tạo thì có khi chép tranh Đông Hồ lại cứ tưởng tranh Hàng Trống. Muốn sử dụng yếu tố truyền thống vào tác phẩm mà không thực sự hiểu biết thì rất dễ rơi vào cóp nhặt bề mặt. Dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” tại đình Nam Hương (Hoàn Kiếm) thu hút các bạn trẻ là vì họ hiểu về bản chất sáng tạo của mình. Lần đầu tiên các bạn được tiếp cận nghệ nhân Hàng Trống, xem nghệ nhân sáng tạo thế nào. Tiếp cận ở đây là tiếp cận vấn đề, lịch sử một dòng tranh 400 năm cũng như những thách thức mà nó phải đối diện.

Từ đó, khi quay lại sáng tạo, tác phẩm của các bạn trẻ tỏ rõ sự chững chạc về tư duy.

- “Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo” diễn ra tại 22 Hàng Buồm do anh làm giám tuyển cho thấy tính liên thông, đa ngành của nghệ thuật. Xu thế này có ý nghĩa thế nào với đời sống sáng tạo, đặc biệt là giới trẻ?

- Các hoạt động thực hành liên ngành trong nghệ thuật đương đại đang trở thành xu hướng chính. Dự án nghệ thuật giờ không đơn thuần diễn ra trong một ngày mà có thể kéo dài hơn rất nhiều. Một dự án càng có hàm lượng tri thức cao thì càng có khả năng kết nối, kích hoạt nhiều ngành tham gia.

Đặc biệt, với các bạn trẻ, phải để cho họ nói và nghĩ bằng tư duy thời đại này. Khi họ được biểu đạt suy tư của mình, chính là họ đang kết nối giữa thời đại và truyền thống.

Ví như, “Cõi thinh không” là vở múa đương đại kết hợp hip hop với tuồng. Nghệ sĩ nhóm Lên ngàn (thiết kế sân khấu, ánh sáng, đạo diễn hình ảnh, quay phim) đều rất trẻ, đã kết nối với các nghệ nhân của nghệ thuật tuồng. Những nghệ sĩ trẻ xúc động khi được biểu diễn cùng những gương mặt gạo cội. Trăm năm trước như trở về trong một không gian đầy cảm xúc. Truyền thống được kể mới và bản thân các nghệ nhân cũng rất hiện đại.

Qua đây, tôi nghĩ rằng, sự kết nối tương tác giữa các ngành nghệ thuật với nhau là xu thế tất yếu. Đây cũng là cơ hội cho nghệ sĩ trẻ trong thực hành nghệ thuật đương đại, khai mở những năng lực sáng tạo mới cho lực lượng này.

- Trân trọng cảm ơn anh!

Hà An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/1022922/hoa-si---giam-tuyen-nguyen-the-son-thay-doi-tu-duy-giao-duc-de-kich-hoat-sang-tao