Họa sĩ Chu Nhật Quang mang 'Dấu thiêng' đến Hoàng Thành Thăng Long
Họa sĩ Chu Nhật Quang giới thiệu 52 tác phẩm sơn mài tại Hoàng thành Thăng Long để tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống cùng bề dày di sản văn hóa lịch sử thủ đô
Chiều 25-9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã họp báo giới thiệu triển lãm "Dấu thiêng" của họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ ra mắt người yêu nghệ thuật tại Hoàng Thành Thăng Long từ 5 đến 15-10.
Triển lãm giới thiệu 52 tác phẩm sơn mài truyền thống về phong cảnh quê hương, các di sản với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Dấu thiêng gồm 4 chủ đề "Khởi", "Cội", "Linh" và "Nôi", mang theo những sự hoài niệm về văn hóa và di sản của tác giả.
Chủ đề "Khởi" mở đầu triển lãm với 14 bức tranh sơn mài tập trung vào thể loại tĩnh vật. Trong các tác phẩm này, họa sĩ Chu Nhật Quang không chỉ tái hiện các vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như hoa quả, bình gốm và các đồ vật gia đình, mà còn mang lại một sự sống mới cho chúng thông qua sự kết hợp tinh tế giữa màu sắc và kết cấu sơn mài.
Chủ đề "Cội" gồm 17 bức tranh, đưa người xem vào một hành trình sâu xa để khám phá văn hóa và di sản của dân tộc Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Tháp Rùa, Chùa Một Cột, chùa Thầy...
Chủ đề "Linh" với 9 bức tranh, tiếp tục khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa và di sản. Họa sĩ tái hiện cảnh sân khấu thủy đình xưa với những buổi diễn rối nước, ngôi chùa Thầy nổi tiếng, và những cảnh đời thường tại các ngôi làng cổ. Hoàng Thành Thăng Long và Tháp Rùa cũng được khắc họa một cách sinh động, thể hiện sự trường tồn của văn hóa Việt Nam qua mọi thăng trầm lịch sử.
Cuối cùng, chủ đề "Nôi" với 12 tác phẩm, gợi lên ký ức về quê hương, những ngôi đình làng và nghệ thuật rối nước - những biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư Việt Nam.
Họa sĩ Chu Nhật Quang được nuôi dưỡng và khơi gợi sự sáng tạo từ hai thế hệ tiền bối là ông nội (họa sĩ, nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn), bố (nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng). Nguồn cảm hứng lớn nhất của anh luôn hướng về quê hương, dân tộc, mặc dù anh cũng đã có dịp tiếp xúc với văn hóa phương tây trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Những kinh nghiệm này đã mở rộng tầm nhìn và giúp anh tiếp thu những xu hướng mới nhất trong nghệ thuật và văn hóa toàn cầu, từ đó áp dụng vào sự sáng tạo của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét Chu Nhật Quang đã đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật sơn mài hiện đại. Những tác phẩm của anh mang đến những trải nghiệm thẩm mỹ đầy mới lạ và sâu sắc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá ông cảm nhận được khát vọng đổi mới trong tranh của Chu Nhật Quang. Những tác phẩm này còn mới mẻ nhưng sẽ đưa sơn mài Việt Nam vươn xa hơn.
Họa sĩ Thành Chương bày tỏ sự tin tưởng về con đường Chu Nhật Quang đã lựa chọn. Ông tin họa sĩ trẻ này sẽ thành công bởi một họa sĩ cần tài năng thiên phú và quan trọng hơn hết là đam mê, khổ luyện, ở Quang có cả hai yếu tố trên.
Ông cũng đánh giá Chu Nhật Quang có thẩm mỹ, tư duy nổi bật và sự trăn trở, đắm đuối với các giá trị truyền thống của dân tộc. Đây là yếu tố quan trọng, cần được văn nghệ sĩ, nhất là thế hệ trẻ, quan tâm đặc biệt.