Hoa, cây cảnh đã sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tại các 'thủ phủ' hoa, cây cảnh nổi tiếng của tỉnh Thái Bình, nông dân đang tất bật chuẩn bị vụ hoa Tết - vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, sẵn sàng cung cấp nhu cầu đa dạng của thị trường.

Nông dân xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) chăm sóc hoa phục vụ dịp Tết nguyên đán.

Nông dân xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) chăm sóc hoa phục vụ dịp Tết nguyên đán.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều làng hoa bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi tháng 9 vừa qua, vụ hoa tết năm nay còn là nỗ lực vượt khó của bà con nông dân trong phục hồi sản xuất, bù đắp thiệt hại do bão gây ra.

Làng hoa Vũ Chính (thành phố Thái Bình) những ngày này trở nên sặc sỡ hơn bởi những vườn hoa dạ yến thảo, hoa xác pháo, hoa hồng… đang khoe sắc. Nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh cũng đã về đây tìm các mối hàng và đặt sẵn, chờ gần đến Tết sẽ vận chuyển về nơi buôn bán.

Với hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa, ông Phan Văn Sửu, thôn Tống Văn, xã Vũ Chính chia sẻ, thông thường mọi năm gia đình ông cung cấp khoảng 1.000 chậu dạ yến thảo; 1.000 chậu cúc pha lê và thược dược, dơn. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của bão Yagi đúng thời điểm mới xuống giống khiến nhiều diện tích hoa bị hỏng, không thể phục hồi.

Để kịp thời phục vụ thị trường hoa Tết cũng như bù đắp thiệt hại, sau bão Yagi gia đình ông Sửu đã khẩn trương dựng lại nhà giàn, bổ sung thêm các giống ngắn ngày gối vụ. Dịp Tết năm nay, gia đình ông dự kiến cung cấp cho thị trường 400 chậu dạ yến thảo, gần 1.000 chậu cúc và ớt. Thời điểm này thương lái đã đặt mua khoảng 80% diện tích. Nếu thuận lợi, vụ Tết năm nay gia đình ông Sửu thu lãi khoảng 80 triệu đồng/sào.

Cùng khu canh tác với ông Sửu trên cánh đồng thôn Tống Văn (xã Vũ Chính), ông Nguyễn Đình Lý đang tập trung tỉa cành cho 3 sào cúc mâm xôi của gia đình. Với quan niệm cúc mâm xôi trong giỏ, trong chậu có hình dáng như quả cầu tròn mang lại sự sung túc, sum vầy cho gia đình năm mới; đồng thời phân khúc giá cả cũng phù hợp với nhiều gia đình, những năm gần đây, loài cúc này được thị trường rất ưa chuộng.

Nông dân xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) phấn khởi vì vụ hoa năm nay được giá.

Nông dân xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) phấn khởi vì vụ hoa năm nay được giá.

Ông Lý cho biết, từ tháng 7 ông đã tập trung xuống giống chuẩn bị vụ hoa Tết. Do ảnh hưởng của bão Yagi gây mưa lớn, ngập úng kéo dài khiến 30% diện tích cúc mâm xôi của gia đình bị hỏng hoàn toàn. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung chăm sóc tốt từ ươm cây, vun tưới, bón phân, cắm cọc, tỉa nụ, phòng bệnh… nên dịp Tết năm nay gia đình ông Lý vẫn có hơn 1.000 chậu cúc mâm xôi cung ứng cho thị trường. Phấn khởi nhất là năm nay giá cúc tăng hơn so với năm trước từ 10.000 - 20.000 đồng/chậu, thời tiết cũng đang thuận lợi để cúc ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Chính cho biết, nghề trồng hoa ở xã bắt đầu phát triển từ hơn 20 năm nay. Từ vài ba hộ canh tác, đến nay bà con nông dân đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa với trên 100 hộ, diện tích 15ha; trong đó, có nhiều giống hoa ngoại nhập cho hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là nghề mang lại thu nhập chính, ổn định cho nông dân địa phương.

Với đa dạng chủng loại hoa, từ những loại hoa truyền thống như cúc, thược dược, đồng tiền, lay ơn, violet đến các loại hoa chậu, hoa treo trang trí như dạ yến thảo, ngọc thảo, phong lữ... làng hoa Vũ Chính đã trở thành thương hiệu quen thuộc mỗi dịp Tết đến không chỉ với người dân trong tỉnh mà còn với các tỉnh, thành phố lân cận như: Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương…

Được coi là “thủ phủ” trồng quất cảnh của tỉnh Thái Bình, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) có 1.200 hộ trồng trên tổng diện tích hơn 90ha. Khác với khung cảnh xơ xác cách đây 3 tháng sau khi cơn bão Yagi đi qua, những ngày này, đi dọc các trục đường dẫn vào xã không khó để bắt gặp những vườn quất đang độ ngả chín vàng. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, bà con nông dân nơi đây sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch Tết sau một năm chăm sóc, vun trồng.

Ông Dương Ngọc Thanh, xã Đông Hòa cho biết, để có một cây quất cảnh bán ra thị trường mất rất nhiều công chăm sóc. Trung bình người trồng phải mất khoảng 2 đến 3 năm dưỡng cây phôi, sau đó mới tạo hình, gò thân để có cây quất cảnh đạt yêu cầu. Một cây thương phẩm đạt yêu cầu phải thỏa mãn 4 yếu tố chính là quả, hoa, lá, lộc. Quả phải sai, đều, vỏ bóng đẹp, lá xanh dày, có lộc nhú và bật cả hoa trắng.

Nông dân xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) chăm sóc quất cảnh chuẩn bị cho dịp Tết.

Nông dân xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) chăm sóc quất cảnh chuẩn bị cho dịp Tết.

Năm nay, nhà vườn của ông Thanh có hơn 200 gốc quất, 50 gốc đào phục vụ dịp Tết. Do ảnh hưởng của thời tiết, giá nguyên liệu vật tư nông nghiệp tăng cao nên dự kiến giá quất cảnh cũng tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/cây tùy theo kích cỡ lớn nhỏ và kiểu dáng. Hiện, nhà vườn của ông Thanh đã bán buôn cho thương lái 60 gốc quất với giá 800.000 đồng/cây, thu gần 50 triệu đồng.

Cùng với quất cảnh truyền thống, năm nay nhiều nhà vườn xã Đông Hòa chuyển đổi sang mô hình trồng quất bonsai, quất thế với giá dao động từ 1 - 7 triệu đồng/chậu. Dù tốn nhiều công chăm sóc cũng như đòi hỏi tính thẩm mỹ nhưng mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, các nhà vườn không ngừng nâng cao tay nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo chất lượng vượt trội cũng như khẳng định thương hiệu của các làng nghề hoa, cây cảnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bài và ảnh: Thu Hoài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/hoa-cay-canh-da-san-sang-cung-ung-cho-thi-truong-tet-20241226085343798.htm