Hỗ trợ 731 hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai

Trong 2 ngày 15 và 16/11, Đoàn công tác của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó mưa lớn, lũ, ngập lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế và phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hỗ trợ tiền mặt cho 731 hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai.

Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến nhiều khu vực ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập nước. Ảnh: Cục Quản lý đề điều và phòng chống thiên tai

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố miền Trung, từ ngày 13 đến 16/11, mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt đã làm 6 người chết, mất tích (Quảng Trị: 1 người chết, 2 người mất tích; Thừa Thiên Huế: 1 người chết, 1 người mất tích và 1 người mất tích tại Phú Yên do bị lũ cuốn trôi).

Tính đến sáng 17/11, vẫn còn 12.885 nhà bị ngập ở mức từ 0,2-0,6m (Quảng Trị: 2.413 nhà, Thừa Thiên Huế: 10.472 nhà).

Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường giao thông bị ngập nước. Thời điểm lớn nhất 85% các tuyến đường tại thành phố Huế bị ngập.

Tình trạng ngập lụt đã gây ách tắc tại các tuyến đường Quốc lộ 1A, 49B, 49C (đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị), tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B và nhiều tuyến đường liên thôn, xã thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hiện nước đang rút, quốc lộ 1A đã thông tuyến.

Được biết, trong chuyến công tác liên ngành, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với FAO tại Việt Nam thực hiện hành động sớm để tăng cường khả năng chống chịu trong mưa lũ cho 731 hộ gia đình tại 7 xã tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Huơng Xuân tại thị xã Hương Trà; Quảng Phú, Quảng Thái, Quảng An tại huyện Quảng Điền; Phong Sơn, Phong Hòa, Phong Bình tại huyện Phong Điền), mỗi hộ gia đình 1,8 triệu đồng để mua lương thực, nhu yếu phẩm.

Liên quan đến tình hình thiên tai, ngày 16/11, mưa kéo dài trong nhiều ngày làm tuyến quốc lộ 27 qua huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) - tuyến huyết mạch nối Nha Trang - Đà Lạt bị sạt lở.

Hàng nghìn m3 đất đá trên đèo Khánh Lê đổ sập xuống, nằm tràn trên mặt đường, kéo dài nhiều mét. Cùng với đó, một số điểm khác trên tuyến này cũng có hiện tượng sạt trượt. Hai bên vách núi, nước chảy dồn dập khiến giao thông ùn tắc, đi lại gặp nguy hiểm.

Các lực lượng chức năng tỉnh đã tập trung máy móc, nhân lực khắc phục, dọn dẹp các điểm sạt lở. Hiện tuyến giao thông Quốc lộ 27C qua địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã thông tuyến một phần.

Trước diễn biến của mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, căn cứ diễn biến mưa lũ và tình hình thực tế chủ động rà soát, điều chỉnh phương án ứng phó, khắc phục hậu quả phù hợp, đảm bảo an toàn về người, tài sản, phục hồi sản xuất, xử lý môi trường ngay sau khi lũ rút.

Đồng thời duy trì lực lượng hướng dẫn, kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông (đường bộ, đường thủy), nhất là các khu vực còn ngập sâu, sạt lở.

Tổ chức thực hiện vận hành đơn hồ, liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai lực lượng rà soát, kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập xung yếu; các công trình đang thi công, khu vực dân cư có nguy cơ cao bị sạt lở.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ho-tro-731-ho-dan-bi-anh-huong-thien-tai-post469129.html