Hỗ trợ 60 trường hợp từ sự kiện ra mắt mô hình đổi mới kinh tế xanh ASEAN

TTXVN tại Indonesia ngày 14/5 đưa tin, lễ ra mắt dự án 'Đổi mới nền kinh tế xanh ASEAN' đã diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta.

Ảnh: tapchidongnama.vn

Ảnh: tapchidongnama.vn

Dự án tập trung vào cả khía cạnh kinh tế và môi trường xã hội của nền kinh tế xanh. Đối tượng hỗ trợ bao gồm các tổ chức kinh doanh và tổ chức phi lợi nhuận đóng góp vào việc thúc đẩy sự thay đổi mang tính chuyển đổi ở ASEAN.

Tổng thư ký ASEAN, Tiến sĩ Kao Kim Hourn phát biểu tại sự kiện đánh giá cao sự ủng hộ của Ủy ban Điều phối ASEAN về Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ACCMSME) đối với dự án “Đổi mới nền kinh tế xanh ASEAN”. Dự án do Chính phủ Nhật Bản và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ và kéo dài 12 tháng.

Tại lễ ra mắt dự án, Đại diện UNDP tại Indonesia, Norimasa Shimomura nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác tiềm năng của nền kinh tế xanh ở ASEAN, cùng nhau hướng tới thúc đẩy các giải pháp mang tính chuyển đổi, trao quyền cho các sáng kiến địa phương và bảo vệ hệ sinh thái nước.

Dự án sẽ hỗ trợ 60 nhà đổi mới và doanh nhân từ các quốc gia ASEAN và Timor Leste. Mỗi doanh nhân được lựa chọn sẽ nhận được hỗ trợ tài chính lên tới 40.000 USD cùng với cố vấn kỹ thuật và khả năng tiếp cận các khoản đầu tư, quan hệ đối tác tiềm năng.

Dự án hướng tới bảo vệ hệ sinh thái biển với vai trò thiết yếu trong việc duy trì môi trường và nền kinh tế của ASEAN. Chiếm 28% rạn san hô toàn cầu, 31% rừng ngập mặn và 33% thảm cỏ biển, vai trò của những hệ sinh thái này là không thể thay thế. Tài nguyên nước ngọt đóng góp đáng kể vào tiềm năng lĩnh vực xanh trong khu vực thông qua cung cấp sinh kế, đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, những nguồn tài nguyên quan trọng này đang đối mặt với những mối đe dọa đáng kể. Nghề cá tại ASEAN đang gặp rủi ro lớn do đánh bắt quá mức và các phương pháp khai thác tận diệt. Ngoài ra, nhiệt độ tăng liên tục do biến đổi khí hậu cũng đang đặt ra những thách thức lớn đối với sức khỏe của cộng đồng địa phương và hiệu suất hệ sinh thái.

Khái niệm nền kinh tế xanh ASEAN được đề cập gồm việc sử dụng, quản trị, quản lý, bảo tồn biển và đại dương, cũng như các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái biển và ven biển phục vụ tăng trưởng kinh tế trong các lĩnh vực như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, vận tải đường biển, năng lượng tái tạo, du lịch, biến đổi khí hậu, nghiên cứu và phát triển, cải thiện phúc lợi của người dân và thúc đẩy công bằng xã hội.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ho-tro-60-truong-hop-tu-su-kien-ra-mat-mo-hinh-doi-moi-kinh-te-xanh-asean-post277620.html