Hiệu suất kinh doanh giảm, Xi măng Chinfon đang gánh 400 tỷ dư nợ trái phiếu

Năm 2022, lợi nhuận của Xi măng Chinfon suy giảm mạnh tới 78,5%, tương ứng ROE vỏn vẹn 3,34%.

Công ty Xi măng Chinfon công bố tình hình kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận sau thuế 55,5 tỷ đồng, lao dốc 78,5% so với mức 258 tỷ đồng của năm 2021.

Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Xi măng Chinfon giảm nhẹ xuống 1.664 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Xi măng Chinfon giảm mạnh từ mức 14,44% của năm trước xuống còn 3,34%.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của Xi măng Chinfon

Nợ phải trả gần 2.663 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Dư nợ trái phiếu chiếm 400 tỷ đồng.

Đây là số trái phiếu Chinfon phát hành ngày 24/9/2021 với kỳ hạn 5 năm, kỳ trả lãi 6 tháng một lần. Riêng năm 2022, Chinfon đã chi hơn 27 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu.

Vốn thu được từ đợt phát hành, Chinfon dùng để tăng quy mô vốn hoạt động, cụ thể là thanh toán các chi phí bao gồm nhưng không giới hạn bởi thanht oán cho các nhà cung cấp, trả lương nhân viên...

Nhà máy Xi măng Chinfon

Xi măng Chinfon được thành lập ngày 24/12/1992, là một liên doanh giữa Tập đoàn Chinfon Đài Loan, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và Công ty Vật liệu Xây dựng Số 9. Công ty có trụ sở đặt tại TP Hải Phòng, lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất xi măng, clinker.

Theo website của Xi măng Chinfon, hiện cổ đông lớn nhất là Chinfon Vietnam Holding (70%), Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng (15,56%) và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (14,44%).

Sau hơn 30 năm thành lập, hiện Chinfon đang sở hữu một Nhà máy xi măng ở Miền Bắc, một Nhà máy nghiền clinker tại Miền Nam. Trong đó nhà máy tại Hải Phòng có công suất thiết kế khoảng 4 triệu tấn, còn nhà máy ở TPHCM có công suất 800.000 tấn xi măng/dây chuyền.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/hieu-suat-kinh-doanh-giam-xi-mang-chinfon-dang-ganh-400-ty-du-no-trai-phieu-177585.html