Hiệu quả tuyên truyền pháp luật qua những phiên tòa lưu động

Chỉ đến khi, trực tiếp chứng kiến tận mắt người trong bản, trong xã phải cúi đầu trước vành móng ngựa, đối diện với những bản án nghiêm khắc, bà con mới thật sự thấm thía sự nghiêm minh của luật pháp…

Đưa phiên tòa về bản

Sớm ngày 12/11, khi màn sương còn phủ kín cả thung lũng dưới chân núi Ngải Thầu, rất đông người dân từ khắp các bản trong xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) đã có mặt tại trụ sở UBND xã. Theo thông báo từ nhiều ngày qua của chính quyền địa phương, họ đến để chứng kiến 3 vụ xét xử hình sự về ma túy do Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Nậm Pồ tổ chức. Điều đáng nói, bị cáo trong cả 3 vụ việc đều là hàng xóm lâu năm, quen thân của nhiều người.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 6 - 7/2024, lực lượng chức năng địa phương đã liên tiếp phát hiện, bắt quả tang các bị cáo: Giàng A Hồ, Giàng Sua Nhè, Giàng A Di cùng về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Các phiên tòa “người thật, việc thật” diễn ra trong không khí trang nghiêm, thu hút sự theo dõi chăm chú của đông đảo người dân.

Lực lượng chức năng dẫn giải các bị cáo về nơi giam giữ.

Lực lượng chức năng dẫn giải các bị cáo về nơi giam giữ.

Bên cạnh việc làm rõ các tình tiết phạm tội, quá trình xét xử, thành viên của Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát đã chú trọng phân tích sâu về quy định của pháp luật đối với hành vi phạm tội của các bị cáo; những tác động tiêu cực do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra đối với gia đình và xã hội… Tại phiên tòa, trước những chứng cứ xác đáng mà Hội đồng xét xử đưa ra, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Qua quá trình xét hỏi công khai đối với các bị cáo; nghe bản luận tội do kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa trình bày; xem xét nhân thân và cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo... TAND huyện Nậm Pồ đã tuyên phạt bị cáo Giàng A Hồ 1 năm 3 tháng tù giam; bị cáo Giàng Sua Nhè 1 năm 6 tháng tù giam và bị cáo bị cáo Giàng A Di 4 năm tù giam.

Có mặt từ phiên tòa đầu tiên cho đến trưa trật - khi phiên tòa thứ 3 kết thúc, anh Giàng A Vàng, bản Pa Khá mới ra về. Anh theo dõi chăm chú, không bỏ sót chi tiết nào của các vụ án. Đây là lần đầu tiên anh Vàng được trực tiếp chứng kiến tận mắt một phiên tòa xét xử và các quy trình liên quan. Đặc biệt, anh thấy được sự nghiêm minh của luật pháp đối với các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy.

Bị cáo Giàng A Hồ tại phiên tòa.

Bị cáo Giàng A Hồ tại phiên tòa.

"Cả 3 bị cáo đều là người quen trong xã. Trước đây, nhiều lần qua lại, gặp gỡ tôi biết các bị cáo nghiện ma túy, có khuyên can nhưng không nghe. Nay trực tiếp nhìn họ cúi đầu trước tòa, tôi nghĩ họ đã biết cái sai của mình rồi. Đây là cơ hội để họ làm lại và cũng là bài học cảnh tỉnh cho người khác, phải tránh xa ma túy" - anh Vàng chia sẻ.

Đối với nhiều người dân ở xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa), dù đã nhiều tháng trôi qua song vẫn nhớ như in “bài học” đắt giá từ phiên tòa xét xử lưu động 2 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng do TAND tỉnh tổ chức trên địa bàn. Ánh nhìn ngơ ngác, những giọt nước mắt tiếc nuối của cả bị cáo và người thân của họ là điều khiến nhiều người day dứt.

Theo cáo trạng, bị cáo Giàng A Chu (SN 1977) và bị cáo Giàng A Xà (SN 1980) trú cùng thôn Làng Sảng đều bị truy tố về tội hủy hoại rừng. Theo đó, bị cáo Chu trong 7 ngày đã hủy hoại 6.000m2; bị cáo Xà hủy hoại trên 4.000m2. Điều đáng nói, diện tích mà 2 bị cáo hủy hoại đều là nương cũ đã bỏ hoang nhiều năm, nhưng nay đã phát triển thành rừng và được quy hoạch rừng phòng hộ, có chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Các bị cáo Giàng A Chu, Giàng A Xà tại phiên tòa xét xử tội hủy hoại rừng.

Các bị cáo Giàng A Chu, Giàng A Xà tại phiên tòa xét xử tội hủy hoại rừng.

Vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên cả Chu và Xà không biết hành vi của mình là phạm tội. Chỉ đến khi Hội đồng xét xử giải thích, phân tích, cả bị cáo và nhiều người dân mới vỡ lẽ đó là hành vi hủy hoại rừng. TAND tỉnh tuyên án mỗi bị cáo 9 tháng tù về tội hủy hoại rừng.

Răn đe để giáo dục

Nà Bủng hay Tả Sìn Thàng đều là địa bàn vùng cao, vùng sâu khó khăn, nơi đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hiểu biết về pháp luật có phần hạn chế. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân hết sức quan trọng. Thực tế và qua nhận định của chính quyền các địa phương thì những phiên tòa trực quan như trên đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong công tác này.

Phiên tòa lưu động thường lựa chọn các địa bàn xảy ra vụ án hoặc điểm “nóng” về các loại tội phạm liên quan.

Phiên tòa lưu động thường lựa chọn các địa bàn xảy ra vụ án hoặc điểm “nóng” về các loại tội phạm liên quan.

Ông Oàng Dìn Chử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng cho hay: Hàng năm, tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng vẫn xảy ra trên địa bàn. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bà con thường có thói quen làm nương, nhưng lại không nắm hết các quy định pháp luật dẫn đến việc vi phạm mà không hay biết. Phiên tòa tổ chức ngay tại cơ sở, với người thật, việc thật, bản án thật nên bà con dễ hiểu và lấy đó làm bài học cho mình.

Còn theo ông Cháng A Chữ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Bủng, phiên tòa lưu động vừa qua được tổ chức trên địa bàn đã thu hút khoảng 100 người tham gia, trong đó nhiều người dân ở các bản xa, như: Pá Kha, Nậm Tắt… cũng về theo dõi. Qua đó, sức lan tỏa của phiên tòa được đánh giá cao.

"Xã Nà Bủng giáp ranh với huyện Mường Mày (tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào) và từng là điểm nóng về tội phạm ma túy. Do vậy, chúng tôi quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân. Xã đánh giá cao hoạt động đưa phiên tòa về địa phương xét xử, qua đó tác động trực tiếp đến nhận thức, giúp bà con nắm rõ hơn về các quy định, đồng thời có sức răn đe lớn." - ông Chữ nhấn mạnh.

Các phiên tòa xét xử lưu động thường thu hút đông đảo người dân theo dõi.

Các phiên tòa xét xử lưu động thường thu hút đông đảo người dân theo dõi.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, xét xử lưu động của TAND 2 cấp trong tỉnh đã và đang là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc điểm tâm lý chung của đồng bào vùng cao là chỉ tin vào những gì “mắt thấy, tai nghe”. Do vậy, tham dự các phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn giúp bà con hiểu được thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, những quy định của pháp luật đối với các hành vi phạm pháp cũng như tính khoan hồng của pháp luật đối với việc thành khẩn khai báo. Thông qua đó, nâng cao hiểu biết, góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng.

Năm 2024, TAND 2 cấp trong tỉnh tổ chức 50 phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án. Tùy vào đặc điểm tình hình của địa phương, TAND các cấp đã lựa chọn, đưa ra xét xử lưu động những vụ án điển hình; tập trung vào các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân. Trong đó, chủ yếu vẫn là những vụ án về tội mua bán, tàng trữ ma túy; hủy hoại rừng; cố ý gây thương tích; mua bán người.

Bài, ảnh: Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/phap-luat/hieu-qua-tuyen-truyen-phap-luat-qua-nhung-phien-toa-luu-dong