Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em
Bằng nhiều hình thức sinh hoạt, câu lạc bộ (CLB) quyền tham gia của trẻ em ở xã Quảng Nham đã phát huy được vai trò của nhóm trẻ nòng cốt, mang lại hiệu quả tích cực, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em.
Thành viên Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em xã Quảng Nham thuyết trình theo chủ đề một buổi sinh hoạt.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi để thực hiện ngày càng đầy đủ hơn các quyền của trẻ em, năm 2018 xã Quảng Nham (Quảng Xương) được tỉnh chọn làm điểm mô hình CLB quyền tham gia của trẻ em. Theo đó, UBND xã đã chỉ đạo, phối hợp với Trường THCS Quảng Nham thành lập CLB trên cơ sở tham gia tự nguyện của trẻ em. Đồng thời, các em tự chủ động xây dựng, triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và bổn phận của mình dưới sự theo dõi, giám sát của tổ tư vấn.
Ông Phạm Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cho biết: Là xã miền biển còn khó khăn, nghề nghiệp của người dân không ổn định, chủ yếu là đi biển... nên tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ mồ côi luôn cao hơn so với các xã khác trong huyện. Mặt khác, do nhận thức của các gia đình và cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào còn bị xem nhẹ. Nhiều hành vi như đánh đập, mắng chửi hay trẻ em bị bạo hành ngay trong chính gia đình mình vẫn còn xảy ra; điểm vui chơi cho trẻ em tại cộng đồng còn thiếu, chưa đạt yêu cầu càng tạo khoảng cách giữa trẻ em thành thị với trẻ em vùng nông thôn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp hoạt động tích cực của các cấp, các ngành, nhất là từ khi CLB quyền trẻ em đi vào hoạt động, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được quan tâm hơn. Thông qua CLB đã giúp các em nâng cao nhận thức về quyền và bổn phận của mình. Từ đó, tích cực tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em tại cộng đồng, trường học. Cũng chính từ các kiến nghị, các hoạt động của CLB đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong mỗi gia đình, trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ em sống trong các gia đình nghèo đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm hơn. Vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em cũng được nâng lên...
CLB quyền tham gia của trẻ em ở Trường THCS Quảng Nham thu hút 45 thành viên tham gia, được tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng theo từng chủ đề riêng. Tại mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên trong nhóm trẻ nòng cốt sẽ đưa ra nội dung chủ đề để thảo luận và đưa ra các tình huống, các kiến thức và kỹ năng về các vấn đề như: Phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; an toàn khi sử dụng mạng xã hội; phòng tránh xâm hại; bình đẳng giới; bạo lực học đường; kỹ năng sống; phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường... Với nội dung sinh hoạt chuyên đề đa dạng đã tạo điều kiện cho các thành viên CLB biết được quyền và nghĩa vụ của mình. Trang bị thêm kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, kiến thức phòng tránh các tệ nạn xã hội.
Em Hoàng Thị Diễm, học sinh lớp 8A1 Trường THCS Quảng Nham, thành viên ban chủ nhiệm CLB quyền tham gia của trẻ em, cho biết: Tham gia sinh hoạt CLB em và các bạn được hiểu thêm về quyền và bổn phận của trẻ em, trau dồi thêm những kỹ năng cần thiết, được nói lên tiếng nói của mình và được tham gia nhiều hoạt động rất bổ ích, tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Cũng từ khi CLB quyền tham gia của trẻ em đi vào hoạt động, tại các buổi sinh hoạt lớp, những nội dung liên quan đến trẻ em, quyền tham gia của trẻ em đã được lồng ghép vào các nội dung sinh hoạt. Bên cạnh đó, chúng em còn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, giúp đỡ các bạn học sinh khác các kỹ năng, kiến thức về bảo vệ trẻ em, từ đó biết tự bảo vệ chính mình.
Nói về hiệu quả của mô hình CLB quyền tham gia của trẻ em, thầy Nguyễn Hữu Hiền, tổng phụ trách đội, thành viên ban cố vấn, điều hành CLB cho biết: CLB là một sân chơi lành mạnh giúp các em chủ động, sáng tạo, tự tin hơn trong cuộc sống. Qua sinh hoạt CLB mà nhiều em đã mạnh dạn trao đổi với các thầy, cô giáo, với cha mẹ, người thân về quyền, bổn phận của mình, những ước mơ về nghề nghiệp và tương lai sau này... Hoạt động của CLB đã tác động trực tiếp đến nhận thức của các em và gián tiếp tác động tới gia đình, nhà trường cũng như thu hút sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và xã hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đây là một mô hình hay, hiệu quả, cần nhân rộng ra các trường học và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.