Hiệu quả từ hồi sinh cây vải tổ

Từ đầu mùa vải đến nay, cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) thu hút nhiều khách đến tham quan. Trên tán cây cổ thụ có những chùm quả ngọt mà ai cũng muốn thưởng thức một lần.

Sau khi thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gen quý của cây vải, cây vải tổ đã xanh tốt và cho quả. Trong ảnh: Ông Hoàng Văn Lượm, cháu 5 đời của cụ Hoàng Văn Cơm (người đưa giống vải quý về Thanh Hà) được giao trông coi, chăm sóc cây vải tổ

Sau khi thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gen quý của cây vải, cây vải tổ đã xanh tốt và cho quả. Trong ảnh: Ông Hoàng Văn Lượm, cháu 5 đời của cụ Hoàng Văn Cơm (người đưa giống vải quý về Thanh Hà) được giao trông coi, chăm sóc cây vải tổ

Sức sống mãnh liệt

Nhiều năm trước khi về thăm cây vải tổ, chúng tôi thấy thân cây sần sùi, một số chỗ bị sâu mục, cằn cỗi. Nhiều người nghĩ rằng cây đã đuối sức bởi có tuổi thọ gần 200 năm. Trước đây, cây vải tổ vẫn cho quả nhưng khi thực hiện đề tài khoa học, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các biện pháp kiềm chế không cho cây ra quả để bảo tồn sức sống.

Sau 2 năm UBND huyện Thanh Hà thực hiện đề tài khoa học "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen cây vải tổ tại xã Thanh Sơn" (2019-2020), cây vải tổ đã có sự hồi phục kỳ diệu.

Với sức sống mãnh liệt và sự chăm sóc đặc biệt, cây vải tổ đã nhanh chóng hồi sinh ở nơi có không gian rộng, thoáng mát, bảo đảm độ ẩm, ánh sáng... Ban chủ nhiệm đề tài đã quy hoạch lại khuôn viên bảo tồn cây vải tổ; xây dựng hệ thống tưới tiêu và hạ mực nước ngầm để bộ rễ cây phát triển; bổ sung và thay lớp cát bằng đất phù sa. Các bước cắt tỉa cành, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... đều được thực hiện đúng kỹ thuật đã giúp cây vải tổ phục hồi và phát triển tốt. Đề tài đã chọn chiết 20 cành từ cây vải tổ nhằm lưu giữ giống cây quý này. Đến nay, những cây con, cháu của cây vải tổ đều sinh trưởng, phát triển tốt. Những cành vải này được trồng riêng tại một khu vực gần với cây vải tổ để giới thiệu, quảng bá cho du khách tới tham quan, phục vụ du lịch sinh thái miệt vườn.

Chỉ khoảng 10 ngày nữa, quả trên cây vải tổ sẽ chín. Ai đến đây chiêm ngưỡng cây vải quý cũng mong muốn được một lần thưởng thức quả. "Dù ăn vải thiều Thanh Hà nhiều nhưng tôi vẫn muốn một lần được nếm thử quả trên chính cây vải thiều tổ ở thôn Thúy Lâm", chị Hoàng Thị Ngát, quê ở Nam Sách đến thăm cây vải tổ cho biết.

Góp phần phát triển kinh tế

Từ cây vải tổ, người dân Thanh Hà đã chiết cành, nhân giống trồng vải khắp huyện. Với sự sáng tạo, linh hoạt trong sản xuất, nông dân Thanh Hà đã ghép để tạo ra nhiều loại vải khác nhau mang lại giá trị kinh tế cao từ nhiều năm nay. Huyện Thanh Hà hiện có các loại vải như tu hú, u trứng trắng, u trứng gai, u hồng, u gai, tàu lai, vải thiều. Trong quá trình phát triển thương hiệu, huyện Thanh Hà không còn phân biệt tên gọi của các loại vải mà gọi chung là vải thiều Thanh Hà.

Nhiều năm trở lại đây, vải thiều Thanh Hà đã được tỉnh và các sở, ngành quan tâm, tạo điều kiện trong sản xuất, tiêu thụ. Toàn huyện hiện có hơn 3.300 ha vải, trong đó 400 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 50 ha được chứng nhận GlobalGAP. 100% số diện tích vải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chất lượng, mã vải ngày càng được nâng cao. Năm nay, sản lượng vải của Thanh Hà ước đạt khoảng 40.000 tấn, trong đó có 25.000 tấn vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Đến nay đã có hơn 26.000 tấn vải thiều sớm ở Thanh Hà được thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi.

Vải thiều sớm đang cho thu hoạch rộ và tiêu thụ thuận lợi ở thị trường Trung Quốc, miền Nam. Nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu vải sang thị trường cao cấp như Nhật Bản, Singapore, Australia, Mỹ... Vải thiều Thanh Hà nổi tiếng, thơm ngon hơn hẳn vải ở nơi khác nên được người tiêu dùng đánh giá cao. Nông sản này từng lọt vào “Top 50 sản phẩm uy tín chất lượng” do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn; “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và "Tinh hoa đặc sản 3 miền".

"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", ngày nay mỗi khi ăn quả vải thiều, nhiều người muốn đến tận nơi để chiêm ngưỡng cây tổ. Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: "Cây vải tổ đã để lại giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử to lớn đối với người dân Thanh Hà. Phát huy giá trị đó, huyện đã có nhiều biện pháp bảo tồn, kéo dài tuổi thọ của cây. Khu vực cây vải tổ nay còn là một trong những điểm du lịch sinh thái miệt vườn hấp dẫn du khách gần xa, góp phần nâng cao giá trị văn hóa, kinh tế địa phương". Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đề tài bảo tồn nguồn gen quý của cây vải tổ chưa được nghiệm thu nhưng đến nay các nhà khoa học đã hỗ trợ huyện Thanh Hà thực hiện thành công các biện pháp bảo tồn.

MINH NGUYỆT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/hieu-qua-tu-hoi-sinh-cay-vai-to-169217