Hiệu quả một phong trào quần chúng tự quản

ND - Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức "Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới". Từ năm 2003 đến 2009, phong trào được đồng bào các dân tộc ở 44 tỉnh, thành phố biên phòng tích cực tham gia với nhiều mô hình, kinh nghiệm phong phú, hiệu quả thiết thực. Trong đó 32 tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị, nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào quần chúng tự quản.

Từ kinh nghiệm các điểm làm thử thuộc năm cụm tại các tỉnh Lạng Sơn, Nghệ An, Đác Nông, Đồng Tháp, Cà Mau, triển khai thực hiện phong trào quần chúng tự quản, lực lượng BĐBP phối hợp cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan thông tin từ T.Ư đến địa phương tổ chức tuyên truyền trong nhân dân khu vực biên giới, biển đảo về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; các hiệp định, quy chế khu vực biên giới và những quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; công tác phân giới cắm mốc các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới tuyến Việt Nam - Lào; phân giới, cắm mốc tuyến Việt Nam - Cam-pu-chia. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân bằng nhiều hình thức và phương pháp như: Tại các cuộc họp, hội nghị của các xã, thôn, bản, tổ chức đoàn thể lồng ghép với chiếu vi-đê-ô, biểu diễn nghệ thuật; thông qua đài, báo, truyền hình, truyền thanh ở các cụm dân cư. Hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất là trực tiếp đến các hộ dân ở các thôn, buôn, ấp, tổ tàu thuyền, bến bãi tự quản. Những năm qua, các đơn vị đã tổ chức 552.950 buổi tuyên truyền cho hàng chục triệu lượt người hiểu rõ âm mưu thủ đoạn các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không mắc mưu kẻ địch, tích cực tham gia các phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chấp hành tốt chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn miền núi, dân tộc và chính sách về dân tộc, tôn giáo. Là lực lượng trực tiếp gắn bó với cơ sở, các Đồn Biên phòng phối hợp cấp ủy, chính quyền các xã biên giới khảo sát, đánh giá đường biên, mốc quốc giới, tình hình tàu thuyền, bến bãi an toàn và an ninh trật tự trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả khảo sát tiến hành xây dựng, dự thảo các nội dung quy ước tự quản và tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân từng xóm, bản để bổ sung hoàn thiện quy ước. Mở các hội nghị già làng, trưởng bản, người có uy tín để phổ biến chủ trương, bàn biện pháp tổ chức, thực hiện phong trào quần chúng tự quản. Để phong trào đạt hiệu quả và đi vào chiều sâu, tổ chức lễ ký kết, phát động, lấy xóm, bản và hộ gia đình, chủ tàu thuyền, bến bãi tổ chức, duy trì các hoạt động tự quản. Định kỳ sáu tháng, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng trao đổi tình hình liên quan bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội địa bàn và kết quả thực hiện phong trào quần chúng tự quản, đồng thời đề ra chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo. Sơ kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích thực hiện. Nhận thức từng bước nâng cao, thấy rõ nghĩa vụ của công dân tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo, nhân dân các xóm, bản giáp biên, các chủ tàu thuyền, bến bãi đã tự giác đăng ký tham gia phong trào tự quản và tích cực thực hiện các nội dung đã cam kết. Từ năm 2003 đến 2009, đã có 3.542 thôn, bản, xóm, ấp (1.160 thôn, bản giáp biên), với hơn 240 nghìn hộ, 400 dòng họ và hơn 19 nghìn tàu thuyền đăng ký tự quản 3.000 km đường biên, 532 cột mốc, thành lập gần 2.000 tổ tự quản đường biên, cột mốc, hơn 2.700 tổ tự quản tàu thuyền an toàn. Nhân dân ở cơ sở đã phát hiện, cung cấp hàng trăm nghìn tin liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo; hơn 25.000 lượt quần chúng tham gia đấu tranh chống xâm canh, lấn chiếm biên giới, xâm nhập khai thác lâm, hải sản... Đồng thời tích cực phát hiện, tham gia đấu tranh với các hiện tượng di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, buôn lậu và gian lận thương mại, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới... Từ phong trào quần chúng tự quản, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Đó là tỉnh Lạng Sơn, nhân dân đã nhận tự quản khép kín đoạn biên giới của tỉnh đảm nhiệm với phương pháp từng hộ gia đình cam kết tích cực bám ruộng, vườn, đồi rừng sản xuất, gắn trồng rừng theo dự án 661 (đã trồng 1.361 ha, giao 60.433 ha đất rừng cho hơn 8.000 hộ, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động, xóa đói cho gần 200 hộ tái định cư ở thôn, bản giáp biên) kết hợp bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới. Thúc đẩy phong trào quần chúng tự quản, tỉnh Lào Cai có Quyết định 549/QĐ-UB "Hỗ trợ kinh phí đối với nhân dân tham gia quản lý bảo vệ biên giới", gồm 10.000 đồng/1 công tham gia tuần tra, phát quang đường tuần tra; 50.000 đồng/1 tin quần chúng cung cấp; tính đến năm 2009 đã hỗ trợ 945 triệu đồng cho nhân dân tham gia tuần tra biên giới và cung cấp tin cho BĐBP. Ở tỉnh Lai Châu, 2.150 hộ của 50 xóm, bản giáp biên đăng ký quản lý 120 km đường biên giới. Từ tình hình cụ thể, tỉnh Quảng Trị tổ chức kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới Việt - Lào, đã kết nghĩa được 22/23 cặp bản - bản. UBND tỉnh Quảng Ngãi ra Chỉ thị 16, Tỉnh ủy có Chỉ thị số 10 về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện các biện pháp xây dựng và bảo vệ khu vực biên giới biển của tỉnh", do đó phong trào phát triển nhanh ở 25/25 xã biên phòng, 6/6 huyện biên giới, thành lập 25 tổ khảo sát với 225 người, xây dựng được 1.037 tổ tự quản (trong đó có 728 tổ tự quản an ninh trật tự, 54 tổ tự quản bến bãi, 225 tổ tàu thuyền an toàn). Tỉnh ủy Phú Yên ra Chỉ thị số 33 và UBND tỉnh có Kế hoạch 76 về tổ chức "Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo và an ninh trật tự thôn, khóm (khu phố) khu vực ven biển" gọi tắt là "Tổ tàu thuyền an toàn". Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội của bảy tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đánh giá đây là mô hình dân vận thành công nhất của tỉnh Phú Yên, đã tổ chức đoàn tham quan mô hình điểm tại hai Đồn Biên phòng (Đồn 354 và 356) để học tập kinh nghiệm, tuyên truyền 306 dòng họ đăng ký tham gia phong trào tự quản.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=170385&sub=130&top=37