Hiểu gì về các phân khúc kim cương trong trang sức

Kim cương là một trong những loại đá quý đẹp và bền nhất trên thế giới. Vì vậy, không khó hiểu khi chúng được nhiều người săn đón làm trang sức.

 Lisa (BlackPink) diện mẫu vòng cổ kim cương của thương hiệu Bulgari. Ảnh: @lalalalisa_m.

Lisa (BlackPink) diện mẫu vòng cổ kim cương của thương hiệu Bulgari. Ảnh: @lalalalisa_m.

Trang sức làm từ kim cương được đông đảo công chúng và giới mộ điệu yêu thích vì sức bền, độ quý hiếm cũng như vẻ ngoài sang trọng. Hiện nay, chúng ngày càng trở nên đa dạng và tinh xảo đến từng đường nét chạm khắc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về bản chất và phân loại đá quý này trong giới trang sức. Dưới đây, The Economic Times đưa ra những chỉ dẫn hữu ích trước khi lựa chọn xuống tiền cho món kim cương đắt giá.

 Giá trị của trang sức kim cương không chỉ phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu. Ảnh minh họa: Anna Nekrashevich/Pexels.

Giá trị của trang sức kim cương không chỉ phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu. Ảnh minh họa: Anna Nekrashevich/Pexels.

Những yếu tố ảnh hưởng giá cả

Thực tế, có hai yếu tố chính định giá trang sức kim cương là bản thân kim cương và kim loại chế tác kèm theo (phổ biến là vàng). Trước khi đi sâu vào vấn đề, mọi người cần phải phân biệt được carat (CT) là thước đo trọng lượng của kim cương trong khi karat (KT) đo độ tinh khiết của vàng.

Thông thường, mọi người có thể biết được giá vàng 24KT trên các trang web tìm kiếm. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm điều tương tự với kim cương.

Vipin Sharma, giám đốc kinh doanh của cửa hàng trang sức trực tuyến BlueStone, cho hay thực chất không có tiêu chuẩn cụ thể nào để nhận biết nhanh giá cả của kim cương.

Ngoài chi phí tìm kiếm và sở hữu kim cương, khâu chế tác và hoàn thiện chúng như cắt hay đánh bóng cũng tiêu tốn thêm một khoản tiền. Quan trọng hơn cả, yếu tố cung - cầu cũng ảnh hưởng đến giá của kim cương.

“Khách hàng cần kiểm tra kim cương với các thợ kim hoàn khác nhau để định giá chính xác mỗi carat”, Parag Shah, giám đốc của KISNA, thương hiệu trang sức thuộc tập đoàn xuất khẩu kim cương Ấn Độ Hari Krishna, nói thêm.

 Chiếc nhẫn đính hôn khoảng 5-7 carat kim cương của ca sĩ Ariana Grande được định giá khoảng 200.000-300.000 USD. Ảnh: @arianagrande.

Chiếc nhẫn đính hôn khoảng 5-7 carat kim cương của ca sĩ Ariana Grande được định giá khoảng 200.000-300.000 USD. Ảnh: @arianagrande.

Công thức định giá

Trang sức làm từ kim cương thường được khảm hoặc đính trên các kim loại quý khác như vàng hay bạc. Thông thường, vàng 18KT hoặc 14KT được sử dụng để chế tác trang sức kim cương. Vàng 22KT ít được dùng hơn vì bản chất quá mềm để làm đính kim cương lên.

Giả sử chúng ta mua một chiếc nhẫn kim cương, số tiền phải trả cho món trang sức này được tính như sau:

(Giá vàng 18KT/14KT x trọng lượng vàng trong nhẫn) + (Giá kim cương tính theo chuẩn 4C x trọng lượng kim cương) + Phí chế tác + GST (Thuế hàng hóa và dịch vụ).

Thêm vào đó, để xác thực chất lượng của kim cương, đa số thợ kim hoàn thường được cấp giấy chứng nhận tính xác thực. Tờ giấy này sẽ có ảnh của món trang sức và các thông tin liên quan.

 Kim cương chất lượng cao thường phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn 4C. Ảnh minh họa: Jeenah Moon/The New York Times.

Kim cương chất lượng cao thường phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn 4C. Ảnh minh họa: Jeenah Moon/The New York Times.

Đánh giá chất lượng

Kiểm tra 4C là thiết yếu trước khi mua trang sức kim cương. 4C là bộ tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu nhằm đảm bảo chất lượng của kim cương. Chúng bao gồm:

Color (Màu sắc)

Màu sắc kim cương nằm trong khoảng từ không màu (tốt nhất) đến vàng nhạt (kém nhất). Mọi người dùng phân loại màu kim cương bằng thang chữ cái từ D đến Z. Trong đó, kim cương màu D được coi là có chất lượng tốt nhất.

Clarity (Độ tinh khiết)

Clarity đề cập đến các độ trong của kim cương. Kim cương là đá quý tự nhiên nên chúng có thể chứa một số dạng tạp chất hay tì vết trong và ngoài. Vì vậy, các chuyên gia dùng thang đo với các hạng mục khác nhau như FL (Flawless) là kim cương hoàn hảo và trong suốt. Trong khi đó, mức Included (I1, I2 và I3) xuất hiện nhiều tạp chất và tì vết.

Cut (Giác cắt)

Viên kim cương dạng thô cần được cắt và đánh bóng trước khi được sử dụng làm đồ trang sức. Chất lượng của vết cắt giúp nâng cao vẻ đẹp và độ sáng lấp lánh của đá. Vì vậy, cắt càng chính xác và tỉ mỉ, giá cả của kim cương càng đắt. Đánh giá của giác cắt lần lượt là Excellent (EX) - xuất sắc, Very Good (VG) - rất tốt, Good (GD) - tốt, Fair (FR) - trung bình và Poor (PR) - kém.

Carat (Trọng lượng carat)

Carat là thuật ngữ dùng để chỉ trọng lượng vật lý của kim cương. Một carat nặng 0,2 gr hay 200 mg. Thông thường, số carat càng cao thì giá trị kim cương càng lớn. Tuy nhiên, những viên kim cương cùng trọng lượng carat vẫn có thể có giá khác nhau vì còn phụ thuộc vào đánh giá 3C còn lại (màu sắc, độ tinh khiết và giác cắt).

 Trang sức kim cương bán lại có thể không nhận về giá trị nhiều như mong muốn. Ảnh minh họa: Ksu&Eli/Pexels.

Trang sức kim cương bán lại có thể không nhận về giá trị nhiều như mong muốn. Ảnh minh họa: Ksu&Eli/Pexels.

Giá trị bán lại

Khi mua trang sức kim cương, mọi người cũng cần chú ý đến việc bán lại chúng. Đa số thợ kim hoàn cung cấp 90% giá kim cương phổ biến tại thời điểm bán. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn trao đổi kim cương, giá cả sẽ rơi vào khoảng 90-100% mức hiện hành.

Thêm vào đó, vì không có giá chuẩn cụ thể nên khách hàng có thể không biết giá trị thực chất của viên kim cương đó tăng hay giảm. Tuy nhiên, họ có thể liên hệ thợ kim hoàn hay chuyên gia để được định giá chuẩn xác.

Sharma và Shah đều chỉ ra rằng giá kim cương đã tăng 30% trong vòng hai năm qua. Dù vậy, tại sao giá trị kim cương bán lại chỉ bằng 90% giá hiện hành? Các chuyên gia cho hay nguyên nhân là khác với vàng, kim cương không thể nấu chảy, cắt hoặc đánh bóng để chế tác thành một món trang sức khác.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hieu-gi-ve-cac-phan-khuc-kim-cuong-trong-trang-suc-post1430927.html